Có Nghi Thức Phụng Vụ Cho Việc Hỏa Táng Không?

  • 05 November 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Tháng 11 dương lịch được dành để kính nhớ các người qua đời. Bên cạnh việc đọc kinh cầu nguyện cho họ, các tín hữu còn đi thăm viếng nghĩa trang. Thế nhưng trong những năm gần đây, tục lệ đó đã giảm bớt, không phải chỉ vì người ta quá bận bịu với công ăn việc làm đến nỗi không còn thời giờ tưởng niệm người chết, nhưng còn vì tại vài quốc gia, người ta muốn dẹp bỏ các nghĩa trang.

Thi hài người chết bị hỏa thiêu ra tro, chứ không còn được chôn cất nữa. Theo họ, biện pháp này giải quyết vấn đề khan hiếm đất đai thành phố cũng như vấn đề ô nhiễm môi sinh. Thái độ của Giáo Hội đối với vấn đề hỏa táng như thế nào? Có nghi thức phụng vụ nào dành cho việc hỏa táng không?

Trong lịch sử nhân loại, tục lệ hỏa táng không phải là điều mới lạ. Thậm chí, đôi khi nó gắn liền với một nền văn hóa hay với một tôn giáo nữa. Chúng ta có thể lấy nước Ấn Độ làm thí dụ, nơi mà tục lệ hỏa táng đã có từ lâu đời; tuy rằng khó nói việc hỏa táng có nhất thiết gắn liền với thuyết luân hồi hay không. Thế nhưng, khi bước sang truyền thống của người Do Thái, thì chúng ta thấy ngược lại. Từ những tác phẩm cổ điển của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy họ chôn cất người chết chứ không hỏa thiêu, tuy dù vào thời cổ, người Do Thái chưa có quan niệm rõ rệt về số phận con người bên kia thế giới.

Như chúng ta đã biết, vào cổ thời, người Do Thái tin rằng sau khi chết, con người dù tốt dù xấu đều phải xuống dưới cõi âm ti, với cuộc sống thoi thóp, không biết có đáng gọi là sống hay không nữa. Dù sao, vào thời của Đức Kitô, tục lệ chôn cất người chết đã thành phổ thông ở Palestina. Theo Phúc Âm, chúng ta được biết rằng, sau khi đã Đức Giêsu đã chết, các môn đệ đã hạ xác Ngài khỏi thập giá và mai táng trong huyệt đá; nhưng vào ngày thứ ba, khi ra thăm viếng mộ thì các môn đệ thấy nó đã trống rỗng, bởi vì Ngài đã sống lại. Sau đó, các Kitô hữu, dù là gốc Do Thái hay gốc từ các dân tộc khác, đã duy trì việc mai táng người chết; một đàng có lẽ vì muốn bắt chước việc táng xác Thầy của mình, và đàng khác cũng muốn biểu lộ niềm tin vào việc thân xác sống lại theo lời Đức Kitô hứa.

Tuy nhiên, việc an táng người chết có thực sự gắn liền với lòng tin Kitô giáo, hay chỉ là một tục lệ văn hóa của một vài dân tộc hay vài thời đại?
Như đã nói trên đây, người Kitô hữu không có bày ra việc an táng người chết, nhưng họ đã lấy lại tục lệ của người Do Thái. Đến khi bước sang vùng văn hóa Hy Lạp - La Mã, thì chúng ta cũng thấy người dân tại đây chôn cất người chết chứ không có hỏa táng như là bên Ấn Độ. Nói như thế không có nghĩa là các Kitô hữu chấp nhận một thói tục thường tình. Lắm lúc họ đã phải phấn đấu để duy trì một điều mà họ cho là có liên hệ tới niềm tin.

Vấn đề này được đặt ra trong trong thời kỳ các Kitô hữu bị bách hại trong Đế quốc Rôma. Một số tín hữu đã bị kết án tử hình vì đã không tuân hành luật lệ của hoàng đế. Chiếu theo hình luật, các tử tội không được an táng, nhưng xác của họ phải bị phơi giữa trời trong vòng 6 ngày rồi sau đó bị đốt ra tro. Các tín hữu đã tìm hết cách, không để cho thi hài các vị tử đạo phải chịu cảnh đó. Có khi thì họ lén lút lấy trộm xác vào ban đêm để về mai táng; có khi thì họ đút lót cho binh sĩ để chuộc xác về... Dĩ nhiên, có người sẽ nói rằng, đó là do lòng nhiệt thành tôn kính các vị tử đạo. Dù vậy, phải nhận rằng còn có động lực khác nữa khiến cho các Kitô hữu thời bấy giờ không muốn thấy thi hài bị thiêu đốt. Đó cũng là lý do vì sao các Kitô hữu tại Rôma cũng như tại các nơi khác đã tậu đất để lập nghĩa trang riêng. Nên biết là, trong tiếng Latin, “nghĩa trang” được gọi là “coemeterium”, gốc bởi tiếng Hy Lạp “coimeterion”: nơi an nghỉ, chờ ngày phục sinh. Các tín hữu năng lui tới các nghĩa trang này, được coi là “đất thánh”, không những là để tưởng nhớ người chết mà còn để cầu nguyện, cử hành phụng vụ, và biểu dương niềm tin và hy vọng phục sinh nữa.

Như vậy, tục lệ an táng người chết không còn phải là một vấn đề văn hóa mà thôi, nhưng còn gắn liền với niềm tin Kitô giáo, phải không?
Có lẽ trong quá khứ ít khi có người đặt ra câu hỏi đó. Tưởng cũng nên biết rằng, tuy quan niệm về số phận con người sau khi chết có khác nhau, nhưng tục lệ chôn cất người chết coi như là phổ thông trong những miền mà Phúc Âm được rao giảng trong các thế kỷ đầu tiên. Chúng ta cứ nghĩ tới các kim tự tháp bên Ai Cập thì đủ rõ: các kim tự tháp chẳng qua chỉ là các lăng tẩm của các Pharaoh đó thôi.
Nói được là, trong suốt thời Trung cổ tại Âu châu, không ai đòi xét lại vấn đề chôn cất người chết cả. Mặt khác, phụng vụ đã có nghi thức không những là để cầu cho người quá cố, mà còn có lễ nghi an táng, bắt đầu từ khi tẩm liệm nhập quan, kế đó đưa quan tài vào nhà thờ cử hành thánh lễ cầu hồn, và sau cùng là nghi thức tạm biệt, khi mà cộng đoàn tháp tùng quan tài ra nghĩa trang, đến nơi an nghỉ.

Từ khi nào có người đòi xét lại vấn đề an táng người chết, và thay thế bằng việc hỏa thiêu?
Thực ra thì vào thời Trung cổ, đôi khi người ta cũng thi hành việc hỏa thiêu, chẳng hạn như khi xảy ra một vụ dịch tễ; nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Việc xét lại xảy ra không phải từ khi Phúc Âm được truyền bá sang nền văn hóa quen thuộc với tục hỏa táng (tỉ như tại Ấn Độ), nhưng là tại Âu châu, và cách riêng là tại Pháp. Do ảnh hưởng của các nhóm Tam điểm, nhiều phong trào đã được thành lập để cổ động cho việc hỏa táng. Một kết quả cụ thể là quốc hội Pháp biểu quyết đạo luật ngày 15/11/1887 cho phép các công dân được tự do lựa chọn giữa việc mai táng hay hỏa thiêu. Và hai năm sau đó, khi đạo luật có giá trị chấp hành, một lò hỏa thiêu đã được khai trương tại nghĩa trang thành phố Paris.

Phản ứng của Giáo Hội đối với việc hỏa táng thế nào?
Vào cuối thế kỷ XIX, Bộ Thánh Vụ (hiện nay gọi là Bộ Giáo Lý Đức Tin) đã ra nhiều nghị định liên quan tới việc hỏa táng. Một nghị định ngày 19/03/1886 cấm các tín hữu không được gia nhập những tổ chức phổ biến việc hỏa táng. Hai năm sau, ngày 15/12/1886, một nghị định khác phạt người nào tự nguyện chấp nhận hỏa táng thân xác của mình sẽ không được an táng theo lễ nghi tôn giáo. Ngày 27/07/1892, một nghị định nữa thêm vài chi tiết ngăn cấm việc hỏa táng (nới rộng ra cả người làm cố vấn kỹ thuật cho việc hỏa táng).

Sở dĩ Bộ Thánh Vụ đã có những biện pháp khắt khe như vậy, là vì vào thời đó, các chiến dịch cổ động việc hỏa thiêu là do phong trào Tam điểm điều khiển, và phong trào này có nhiều điều chống lại Giáo Hội Công Giáo. Họ cho rằng, việc an táng người chết là điều hủ lậu, bởi vì dựa trên lòng mê tín về việc con người có linh hồn bất tử. Mặt khác, tuy rằng việc hỏa thiêu tự nó không có gì trái ngược với đức tin Kitô giáo, nhưng tâm thức của người thời đó vẫn coi chuyện hỏa thiêu như cái gì kinh tởm, tàn bạo. Vả lại, khi hỏa thiêu thì đâu có thể thi hành nghi thức an táng cổ truyền được nữa.

Những quy luật chống lại việc hỏa thiêu ngày nay có còn giá trị nữa không?
Cần nhắc lại là những nghị định trên đây đã được ban hành hồi cuối thế kỷ thứ XIX, trước khi có Bộ Giáo Luật. Trong Bộ Giáo Luật ra đời năm 1917, kỷ luật ngăn cấm vẫn còn được duy trì ở điều 1203. Thêm vào đó, ai tình nguyện để cho xác mình hỏa táng sẽ bị phạt không được an táng theo nghi thức tôn giáo. Phải cho đến ngày 08/05/1963 mới có sự chuyển hướng trong kỷ luật của Giáo Hội.

Xét rằng nhiều người đã chọn việc hỏa táng không phải vì lý do bài trừ tôn giáo, cho nên Bộ Thánh Vụ đã ra một nghị định mới nói như sau: “Cần phải cố gắng duy trì tục lệ an táng người chết. Những điều ngăn cấm việc hỏa táng được bãi bỏ, trừ khi nào đã rõ là đương sự đã chọn lựa hỏa táng vì chối bỏ các tín điều Công Giáo, hay vì lòng thù ghét khích bác Giáo Hội. Để khỏi làm suy giảm sự gắn bó của các Kitô hữu đối với việc an táng, những nghi thức dành cho việc an táng và các kinh nguyện kế tiếp sẽ không bao giờ được cử hành tại nơi hỏa táng. Và cũng sẽ không tháp tùng thi hài ra đến nơi hỏa táng.

Nói như vậy là không có một nghi thức nào dành cho những người hỏa táng hay sao?
Tôi vừa mới nói đến nghị định của Bộ Thánh Vụ ban hành năm 1963, nghĩa là trước khi bế mạc Công Đồng Vatican II. Sau Công Đồng, chúng ta thấy có một cuộc cải tổ về kỷ luật cũng như về phụng vụ.

Trong lãnh vực mà chúng ta đang bàn, thì việc cải tổ phụng vụ tiến hành sớm hơn, với sự xuất bản quyển “nghi thức an táng” (Ordo exsequiarum) vào năm 1969. Nghi thức cho phép cử hành lễ nghi an táng cho những người tín hữu nào đã chọn việc hỏa táng không phải vì những lý do trái nghịch với Kitô giáo. Và những nghi thức được cử hành tại nhà nguyện nghĩa trang hay tại huyệt thì có thể được cử hành tại nơi hỏa thiêu, hay tại lò hỏa thiêu (Dẫn nhập, Praenotanda, số 15). Như vậy là ta thấy có sự thay đổi, so với nghị định của Bộ Thánh Vụ năm 1963.

Còn việc cải tổ kỷ luật, thì được hình thành với việc ban hành Bộ Giáo Luật năm 1983. Điều 1176, khoản 3, nói như sau: “Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo”. Như vậy, không có chi mới lạ.
Nói tóm lại, thì có thể cử hành lễ nghi an táng cho người hỏa thiêu, phải không?
Cứ dựa theo các bản văn thì phải trả lời là có thể cử hành các lễ nghi. Thế nhưng khi đi vào thực tế thì người ta mới thấy nó rắc rối:

- Phải hiểu thế nào là nghi thức an táng dành cho người hỏa thiêu? Có nghĩa là mang thi hài đến nhà thờ cử hành thánh lễ an táng trước khi đem hỏa táng ư? Chuyện này chẳng có gì khó khăn cả. Có nghĩa là làm phép xác tại nghĩa trang trước khi hỏa thiêu, tương tự như trước khi chôn xuống lòng đất ư? Vấn đề trở nên phức tạp hơn, bởi vì phải thay đổi nhiều lời kinh.

- Chưa hết, lại còn có chuyện thi hài được hỏa táng liền sau khi chết; thế thì có được đem hũ tro cốt vào nhà thờ cử hành thánh lễ giống như là đối với thi hài hay không? Trong một bài báo đăng trong tạp chí “Notitiae” năm 1977 (trang 45), Bộ Phụng Tự đã trả lời là không, bởi vì thiếu trung thực với cử chỉ. Trong nghi thức an táng với sự hiện diện của thân xác, Giáo Hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác, vố đã được thánh hóa nhờ Bí tích Rửa Tội, và trở nên đền thờ của Thánh Thần. Đám tro tàn không còn bộc lộ được dấu hiệu đó nữa, vì thế cho nên không thể dành cho đám tro cốt những nghi thức dành cho thân xác, tựa như xông hương.

Dĩ nhiên, việc dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời là chuyện khác, cho dù có thi hài hay không. Nhưng phần nào những câu hỏi vừa rồi còn nằm trong phần nguyên tắc. Khi đi vào thực tế, các mục tử còn thấy nhiều khó khăn khác nữa:

Thí dụ như tại nhiều nơi, Giáo Hội có thể có nghĩa trang riêng, và tổ chức các nghi thức tại đó tùy ý. Nhưng các lò hỏa thiêu thì do nhà nước quản lý, và được điều hành theo luật lao động, nếu chưa dám nói là theo quy tắc của Sở vệ sinh. Chính vì thế mà sự hiện diện của thân nhân tại những nơi này đã gặp nhiều trở ngại rồi, phương chi là sự có mặt của các giáo sĩ để thi hành lễ nghi tôn giáo. Kế đó, phải xử sự như thế nào đối với tro tàn: tung bay theo chiều gió, đổ xuống sông, lưu trữ ở nơi công cộng, hay mang về gia đình?...

Tất cả những điều này được Bộ Giáo Lý Đức Tin trả lời cách rõ ràng qua Huấn thị “Ad resurgendum cum christo” (về việc mai táng và lưu giữ tro hỏa táng), đã được thông qua trong phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 02 tháng 03 năm 2016, và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn và ban chỉ thị phải công bố Huấn thị này vào ngày 18 tháng 3 năm 2016; và chính thức công bố cho toàn thể Giáo Hội ngày 15 tháng 08 năm 2016. Xin xem toàn bộ văn kiện này tại đây: Huấn thị Ad resurgendum cum christo.

http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/hieu-song-duc-tin/3870-hieu-song-duc-tin-co-nghi-thuc-phung-vu-cho-viec-hoa-tang-khong

 

back to top