Góc Nhìn Mục Vụ - Hôn Nhân Có Phải Là Một Ơn Gọi Không?

  • 19 August 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Linh mục Phan Tấn Thành, OP.


Xưa nay, người ta thường nói đến ơn gọi linh mục và linh mục tu sĩ. Gần đây có người nói đến ơn gọi hôn nhân nữa. Hôn nhân có phải là một ơn gọi không?

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên ghi nhận một điều thú vị trong tiếng Việt. Trong từ “ơn gọi”, chúng ta thấy có hai yếu tố: một là “ơn”, hiểu như một quà tặng, ân huệ, chứ không phải là cái gì bắt buộc theo nghĩa vụ; hai là “gọi”, làm cho chúng ta nghĩ đến một lời mời của ai đó (lời kêu gọi), và gợi lên ý tưởng đáp trả tự do, chứ không cưỡng bách hoặc bắt buộc. Thật ra, trong nguyên ngữ Latin, vocatio (động tự vocare) chỉ hàm ngụ ý tưởng “kêu gọi” mà thôi; đến khi dịch sang tiếng Việt thì chúng ta thêm tiếng “ơn” nữa. Dĩ nhiên chúng ta bàn đến ơn gọi trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người: Chúa gọi, và con người đáp trả. Đây là một mối tương quan của tình yêu và tự do. Thiên Chúa kêu gọi vì yêu thương, như một ân huệ; và con người đáp lại cũng với tình yêu và tự do.

Có bao nhiêu thứ ơn gọi?

Theo một nghĩa rất rộng, ta có thể nói được rằng có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu ơn gọi, theo nghĩa là đối với mỗi con người được sinh ra, Thiên Chúa đã có một kế hoạch cho họ, mà ta gọi là sự quan phòng. Hẹp hơn một chút nữa, chúng ta giới hạn vào ơn gọi các người Kitô hữu: do bí tích rửa tội, mỗi người tín hữu được kêu gọi để trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, các Kitô hữu được mời gọi nên thánh, qua việc trở nên giống Đức Kitô và tham gia vào sứ mạng cứu thế của Người.

Tuy nhiên, thần học đã phân biệt nhiều đường lối khác nhau để thực hiện một ơn gọi chung vừa nói. Sự khác biệt này dựa trên những ơn huệ khác nhau mà Thánh Linh ban cho mỗi người để xây dựng Hội Thánh. Từ đó, thần học phân biệt nhiều thứ ơn gọi, dựa theo nhiều tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn khá phổ thông từ thời Trung cổ là phân biệt ba hàng ngũ trong Giáo Hội, đó là: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Trên thực tế, các tác giả đã viết khá nhiều về ơn gọi “giáo sĩ” (những người được mời gọi đi theo Đức Kitô mục tử nhân lành để phục vụ Hội Thánh qua việc giảng dạy và thánh hóa) và ơn gọi “tu sĩ” (những người được mời gọi đi theo Đức Kitô qua việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm); nhưng ít khi đề cập đến các “giáo dân”. Mãi đến Công Đồng Vatican II, các nhà thần học mới bắt đầu chú ý đến các giáo dân: họ được mời gọi nên thánh qua việc làm chứng tá cho Phúc Âm trong môi trường gia đình và nghề nghiệp mà họ sinh sống.

Như vậy chỉ có ơn gọi giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, chứ không có ơn gọi hôn nhân, phải không?

Như vừa nói, có nhiều tiêu chuẩn để phân biệt các ơn gọi. Một tiêu chuẩn đã có từ thời Trung cổ dựa trên ba hàng ngũ. Nhưng trong mỗi hàng ngũ lại còn nhiều sự phân chia khác nữa, chẳng hạn hàng ngũ tu sĩ gồm nhiều hình thức (ẩn tu, đan tu, tông đồ, vv). Hàng ngũ giáo dân cũng bao gồm nhiều hạng khác nhau tùy theo khía cạnh. Dưới khía cạnh hôn nhân, chúng ta có thể nói đến những người độc thân, những người kết hôn, những người góa bụa. Hiểu như vậy, ơn gọi hôn nhân là một khía cạnh của hàng ngũ giáo dân, cách riêng bởi vì nó gắn liền với một bí tích, đó là bí tích hôn phối.

“Ơn gọi hôn nhân” là một tư tưởng của vài nhà thần học hay là của các văn kiện của Giáo Hội?

Đây là một tư tưởng chính thức của Giáo Hội. Tông huấn Familiaris consortio của đức giáo hoàng Phaolô II (năm 1981) nhiều lần nói đến “ơn gọi” của đôi bạn, và một đoạn văn được trích lại trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo ở số 1605. Đặc biệt là khóa XIV của thượng hội đồng Giám mục năm 2015 mang chủ đề là “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và xã hội hiện nay”. Sau đó, tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris laetitia được ban hành năm 2016, trong khung cảnh của “niềm vui tình yêu”, đã dành tất cả chương Ba để bàn về “ơn gọi của gia đình”, gồm 30 số, phân thành 6 mục, trong đó ngài điểm qua đạo lý của Kinh thánh và của truyền thống Hội Thánh về hôn nhân.

Giáo Hội muốn nói gì khi đề cao ơn gọi hôn nhân?

Theo tôi nghĩ, khi nói đến ơn gọi hôn nhân, chúng ta nên nhìn từ hai phía: về phía Thiên Chúa và về phía con người. Trước tiên, xét về phía Thiên Chúa, ơn gọi muốn nói đến kế hoạch của Ngài khi thiết lập hôn nhân. Hôn nhân không phải là một thực thể do con người sáng nghĩ ra, và tùy tiện thay đổi. Không phải thế: hôn nhân là một định chế mà Thiên Chúa đã thiết lập lúc tạo dựng loài người có nam có nữ. Hơn thế nữa, trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã muốn cho hôn nhân trở thành dấu chỉ của tình yêu của Ngài đối với dân được tuyển chọn: điều này đã được các ngôn sứ gợi lên trong Cựu ước, và được thánh Phaolô nêu bật trong Tân ước. Trong thư gửi Epheso (chương 5 câu 32), hôn nhân được gọi là một “mầu nhiệm” (mysterion)trong tiếng Hy Lạp), và được dịch sang tiếng Latin là “bí tích” (sacramentum). Điều này muốn nói lên sự cao quý thánh thiện của hôn nhân: hôn nhân được kêu gọi làm dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người, được biểu lộ nơi tình yêu trao hiến của Đức Kitô cho Hội Thánh. Về phía con người, ơn gọi hôn nhân muốn nêu bật một sự chọn lựa có trách nhiệm, chứ không phải chỉ được thúc đẩy do cảm xúc nhất thời. Nên ghi nhận rằng trong tông huấn về “Niềm vui của tình yêu”, sau khi đã gợi lên khái niệm “ơn gọi hôn nhân” ở chương Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành chương Bốn để giải thích bản chất của tình yêu, phân tích tình yêu vợ chồng dưới những khía cạnh khác nhau, và được kéo dài qua chương Năm để bàn về tình yêu của cha mẹ với con cái. Ta có thể coi đó như là ơn gọi hôn nhân nhìn dưới khía cạnh khách thể, dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tiếp theo, sang chương Sáu, mang tựa đề là “vài viễn tượng mục vụ”, ta có thể nhận thấy vài đòi hỏi về phía chủ thể khi bước vào đời sống hôn nhân. Nói cách khác, chương Sáu là một thứ hướng dẫn cụ thể để theo đuổi ơn gọi hôn nhân, từ lúc khởi sự cho đến lúc trưởng thành, cùng với thăng trầm của nó. Ơn gọi là cái gì năng động, chứ không phải là tĩnh lặng, cố định. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một điểm táo bạo mà tông huấn này muốn lưu ý là: có những người không có ơn gọi hôn nhân, vì thế đừng nên dấn thân vào đấy (số 209-210).

Hôn nhân là chuyện rất tự nhiên của con người, tại sao lại cần phải có ơn gọi. Đi tu mới là chuyện khác thường và vì thế mới cần có ơn gọi chứ?

Thoạt tiên, chuyện lấy vợ lấy chồng là điều đương nhiên của con người. Nhưng chúng ta biết được rằng không phải tất cả mọi đôi hôn nhân đều hạnh phúc, và một số không nhỏ đã đi đến chỗ tan vỡ. Tại sao vậy? Tại vì họ không có ơn gọi hôn nhân. Xin lấy một thí dụ cho dễ hiểu. Một thiếu nữ rất có lòng thương người, muốn giúp đỡ những người bệnh tật. Cô đi theo học ngành y tá. Nhưng khổ nỗi là khi thấy máu chảy là cô có phản ứng tiêu cực, tựa như nôn ruột hoặc ói mửa. Ta có thể kết luận rằng cô ta không có ơn gọi làm y tá. Cô có thể giúp đỡ những người nghèo đói cùng cực qua những công tác khác, thay vì làm nghề y tá. Trở lại chuyện hôn nhân, ta phải nhận rằng đây là một xu hướng rất tự nhiên của con người, đáp ứng nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Thế nhưng có lẽ ít người hiểu được thế nào là tình yêu đích thực, và thực hành thì lại càng khó hơn nữa. Tông huấn “Niềm vui tình yêu” đã dành khá nhiều đoạn (từ số 90 đến số 157) để giải thích những đặc tính và yêu sách của tình yêu, đặc biệt dựa trên bài ca đức mến nói ở chương 13 trong thư thứ nhất của thánh Phaolo gửi các tín hữu Corinto. Tôi tự hỏi: Có biết bao nhiêu người đạt được lý tưởng đó? Chắc chỉ có các thánh thôi.

Như vậy, phải kết luận rằng chỉ có các thánh mới nên kết hôn hay sao?

Tông huấn không muốn đi đến kết luận như vậy. Nhưng chỉ muốn nhắn nhủ vài điều mang tính mục vụ. Thứ nhất, xét vì hôn nhân của Kitô giáo là một ơn gọi và là một bí tích, cho nên trước khi đi vào con đường này, người tín hữu cần được chuẩn bị chu đáo, qua việc cầu nguyện bàn hỏi, và không ngại đặt câu hỏi: tôi có khả năng đảm nhận các nghĩa vụ của hôn nhân hay không? Nếu tính tôi nóng nảy, hung bạo, ích kỷ, thì liệu tôi có khả năng chung sống với một người khác suốt đời hay không? Dù sao, đây chỉ là bước chuẩn bị xa. Tiến thêm một bước nữa, cần đi vào cụ thể, nghĩa là nghĩ đến một người mà mình định kết hôn: hai người có hợp tính khí, có cùng một ý nghĩ về hôn nhân hay không, có sẵn sàng “giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng mọi ngày suốt đời” hay không? Nếu không thì nên đình hoãn lại, để suy nghĩ kỹ hơn, hoặc cố gắng tập luyện để bổ túc những gì còn thiếu sót.

Có thể rằng hiện nay, hai người đồng ý về điều vừa nói. Nhưng ai biết được tương lai sẽ ra sao?

Theo tôi nghĩ, một điểm mới của tông huấn “Niềm vui tình yêu” là nhìn hôn nhân như một tiến trình trong cuộc sống. Rất có thể là đôi hôn nhân chưa đạt được sự hoàn thiện khi họ kết hôn. Nhưng đó là chuyện thường tình: sự hoàn thiện chỉ có thể đạt được sau một cuộc thử luyện lâu dài, chứ không có ngay lập tức vào lúc bắt đầu. Giả như có ai đã đạt được sự hoàn thiện đi nữa, thì cũng cần cảnh giác rằng trên đời này, mọi chuyện đều trải qua những chặng thăng trầm. Các văn kiện của Tòa thánh về đời sống linh mục và đời sống tu trì đều nói đến những cuộc khủng hoảng có thể xảy đến dọc theo những chu kỳ của tuổi đời. Những khủng hoảng đó có thể là đưa đến việc mất ơn gọi, nhưng cũng có thể giúp cho ơn gọi được chín chắn hơn. Ơn gọi hôn nhân cũng vậy thôi: có những cuộc khủng hoảng xảy ra do những lý do bên ngoài (chẳng hạn như công chuyện làm ăn, hoàn cảnh xã hội, điều kiện sức khỏe, vv) và có những cuộc khủng hoảng xảy ra do chính nội tại của hôn nhân. Một câu chuyện đơn giản: lúc đầu đôi bạn lấy nhau vì yêu nhau, nhưng đến lúc nào tình yêu sẽ đưa tới việc sinh con đẻ cái. Lúc ấy sẽ nảy ra một sự căng thẳng: có người yêu thương con cái hơn là yêu thương vợ hoặc chồng của mình; hoặc ngược lại, họ yêu thương người bạn trăm năm của mình hơn là yêu thương con cái. Làm thế nào giữ được sự thăng bằng giữa hai mối tình ấy? Câu trả lời không đơn giản, và cần có thời gian để suy nghĩ và thực hành. Để kết luận, tôi xin thêm một nhận xét cuối cùng. Nói đến “ơn gọi” là nói đến sự cao cả, trách nhiệm; nhưng đồng thời, ta đừng nên quên rằng đó là một “ân huệ”, nghĩa là tặng phẩm do Chúa ban. Điều này mang lại cho đôi bạn Kito hữu niềm hy vọng tín thác vào sự trợ giúp của Chúa để thi hành ơn gọi của mình là làm dấu chỉ cho tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu trao hiến, hy sinh; nhờ đó đem lại ơn cứu độ và thánh hóa. Vì là một ân huệ, chúng ta không ngừng khiêm tốn cầu xin.

http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/hieu-song-duc-tin/4222-hieu-song-duc-tin-hon-nhan-co-phai-la-mot-on-goi-khong

 

back to top