Tinh Thần Tuân Giữ Kỷ Luật

Việc tuân giữ kỷ luật là một trong những yếu tố nền tảng cấu tạo nên đời sống riêng biệt của Dòng. Khi thiết lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, thánh Đa Minh đã muốn lấy các yếu tố của đời sống đan tu, trong đó có việc tuân giữ kỷ luật làm phương tiện chính yếu để sống tinh thần và đoàn sủng của dòng (xc.bài 4). Ngài tha thiết xin anh em hãy tuân giữ kỷ luật để nuôi dưỡng và thăng tiến ơn gọi. Tinh thần đó cũng hiểu rộng cho tất cả các thành phần trong gia đình Đa Minh, trong đó có huynh đoàn giáo dân chúng ta. Theo thánh Đa Minh, kỷ luật góp phần bảo đảm ơn gọi, bảo đảm việc thực thi sứ vụ tông đồ của Dòng. Kỷ luật hướng dẫn tâm hồn và hành động của mỗi đoàn viên, để từng ngày, qua từng giai đoạn, mỗi đoàn viên được củng cố vững chắc và thực sự trở nên một đoàn viên hoàn hảo, lý tưởng.

Mặc dầu ơn gọi là hồng ân Chúa ban cho, nhưng điều đó không có nghĩa là con người hoàn toàn thụ động. Ngược lại, để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, chúng ta phải luôn nỗ lực cộng tác vào đó. Hơn nữa, ơn gọi Đa Minh của chúng ta không phải như một sinh hoạt hội đoàn có tính cách nhất thời, nhưng kéo dài suốt cả đời và làm cho cuộc sống mình có ý nghĩa và giá trị hơn. Vì vậy chúng ta cần nỗ lực nuôi dưỡng ơn gọi được luôn bền bỉ, vững chắc. Muốn được thế chúng ta cần phải tuân giữ kỷ luật : kỷ luật đối với cá nhân, kỷ luật đối với tập thể. Chẳng ai có thể hoàn thành ơn gọi nếu không tuân giữ kỷ luật trong đời sống của mình.

Việc tuân giữ kỷ luật chính là con đường tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài muốn mời gọi ta nên thánh trong chính những kỷ luật của cộng đoàn mà chúng ta tình nguyện tuân giữ. Thực ra đôi khi chúng ta khó nhận ra điều này, bởi vì kỷ luật luôn mang đường lối tương đối do con người lập ra và thường tùy thuộc với người đang lãnh nhận trách nhiệm áp dụng luật. Nhìn vào kỷ luật, chúng ta dễ thấy những điều mang tính chất của con người hơn là của Thiên Chúa. Nhiều khi, kỷ luật có vẻ trái ngược với những hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống.. . nên chúng ta khó có thể nhận ra thánh ý Chúa.

Tuy nhiên chúng ta luôn tâm niệm rằng: Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài qua những đường lối không ai có thể ngờ được hay tính toán được. Nhiều khi Chúa sử dụng những đường lối lạ lùng, "kỳ cục" để hoàn thành ý định của Ngài. Thiên Chúa vẫn thế, Ngài luôn sử dụng những phương thế thông thường, tự nhiên, có khi "kỳ cục" nữa. Chỉ khi có một sự bén nhạy, một lòng tin tưởng, một tâm hồn chiêm niệm mới nhận ra được Ngài. Ngài vẫn đang ân cần hướng dẫn, chỉ bảo cho ta qua những con người, qua những qui định, kỷ luật có tính con người, qua tập thể, qua cuộc sống. Bởi thế, điều quan trọng hơn cả vẫn phải là lắng nghe, luôn sẵn sàng đón nhận những nẻo đường hướng dẫn của Ngài.