Bùi Hữu Thư

Bùi Hữu Thư

Website URL:

Đức Thánh Cha ngỏ tình liên đới với Nước Nga sau khi đại sứ Karlov bị ám sát

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bầy tỏ “tình liên đới ” với Nước Nga ngày hôm sau khi đại sứ Nga tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Andrei Karlov bị ám sát ngày 19 tháng 12, 2016

Thực vậy một điện tín phân ưu đã được Tổng Trưởng Ngọai Giao Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin gửi đến Tổng Thống Nước Nga, Vladimir Putin nhân danh Đức Thánh Cha. Tòa Thánh lên tiếng nhấn mạnh về “cuộc tấn công tàn bạo ngày thứ hai 19 tháng 12 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Ky, ông Andrei Karlov bị thiệt mạng.”

Điện tín viết: “Đức Thánh Cha Phanxicô rất đau buồn khi nghe tin về cuộc tấn công tàn bạo tại Ankara khiến cho đại sứ Andrei Karlov bị thiệt mạng. Đức Thánh Cha gửi lời phân ưu đến tất cả những người đang khóc than về sự ra đi vĩnh viễn của ông đại sứ, nhất là những thân nhân trong gia đình đại sứ Karlov.

Gửi gấm linh hồn ông đại sứ cho Thiên Chúa toàn năng, Đức Thánh Cha Phanxicô cam đoan với tất cà toàn dân Nước Nga là ngài sẽ cầu nguyện cho họ và ngài muốn bầy tỏ tình liên đới thiêng liêng với họ trong lúc này.”

Ông đại sứ đã bị một cảnh sát viên trẻ tuổi lúc đó không có phận sự canh gác ám sát trong khi ông khai mạc một cuộc triển lãm tại Ankara. Người này đã tuyên bố lý do hành quyết nhân danh Alepo (Syria), nhất là tại các khu vực phía Đông nơi các quân nổi dậy Hồi Giáo chiếm đóng đã bị các phi cơ Nga san bằng trong các tuần qua.

Buổi sáng nay, Tòa Thánh cũng cho hay vị bộ trưởng ngọai giao, Đức Cha Richard Gallagher đã điện thọai cho đại sứ Nga tại Tòa Thánh, ông Alexander Avdeev, để phân ưu về việc ông đại sứ Karlov bị ám sát.

Lời Chúa đã được Mẹ Maria Phúc Âm hoá

Mẹ sửng sốt khi Thiên Thần truyền lệnh,
Chúa xuống trần theo phương cách lạ lùng.
Mẹ ngạc nhiên, nhưng liền vâng mệnh,
Mẹ để tâm và giữ kín trong lòng.

Những biến cố lạ lùng đến với Mẹ:
Chúa Giê-su nơi hang lạnh giáng sinh,
Ðến Ba Vua xấp mình thờ Con Trẻ,
Chúa Ki-tô nơi Ðền Thánh giảng kinh.

Mẹ lưu ý đến những điều Chúa nói,
Gắng hiểu thêm và suy nghĩ trong đầu.
Ðã ý thức nhưng Mẹ đâu dám hỏi,
Mẹ ở trong một cuộc sống nhiệm mầu.

Chúa Giê-su là Phúc Âm hằng sống,
Là tấm gương cho Mẹ mọi ngày qua.
Mẹ cộng tác với ơn lành sống động,
Mẹ noi theo gương Chúa đặt bầy ra.

Hình ảnh Mẹ biểu tượng cho Lời Chúa,
Diễn Lời Ngài thật toàn vẹn mọi ngày.
Lời Chúa đã được Mẹ Phúc Âm hoá,
Mẹ sống và thực hiện Ý Ngài.

Mẹ Maria, gương trọn lành vô lượng,
Cho người người, bắt chước mọi miền.
Mẹ Maria là mẫu người lý tưởng,
Noi gương Mẹ mà sống nhân hiền.

Bùi Hữu Thư 

Con Mong Chờ Ngài

Ôi hỡi Đấng Cứu Tinh,
Con yêu mến hết tình,
Con khát khao chờ Chúa,
Xuống trần cứu sinh linh.

Ôi hỡi Đấng Thiên Sai,
Con luôn mong chờ Ngài,
Như nai rừng khát nước,
Chờ uống giọt sương mai.

Ôi Hài Nhi Giê-su,
Thế gian tối mịt mù,
Ngài là nguồn ánh sáng,
Soi chiếu mãi ngàn thu.

Ôi Ánh Quang rạng ngời,
Xin chiếu rõi con người,
Trần gian đầy bóng tối,
Cần Chúa khắp mọi nơi.

Vinh danh Thiên Chúa trên Trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

Đức Thánh Cha Benêđictô XVI: Ý nghĩa của Cây Giáng Sinh"

Cây Giáng Sinh là ‘Một dấu chỉ và là một sự nhắc nhớ” về ánh sáng của Thiên Chúa, nếu không có thì “những lời nói đẹp đẽ và trang trọng nhất” cũng mất hết ý nghĩa và sự liên đới với “những đòi hỏi về chân lý và trách nhiệm dân sự”. Đức Thánh cha Benêđictô XVI đã giải thích như vậy năm 2012. 

Đức Thánh Cha nhắc rằng: Theo tiên tri Isaiah, Thiên Chúa đã xuống thế, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, như một “nguồn ánh sáng chói lọi chiếu soi cho người dân đang đi trong bóng tối.” 

Ngài tiếp: Và cây Giáng Sinh là “dấu chỉ và sự nhắc nhớ” về ánh sáng này “đã đến từ trời cao”, và không những “qua bao nhiêu thế kỷ và thiên niên kỷ đã không giảm mất cường độ” mà còn “tiếp tục ngời sáng” để “chiếu rõi tất cả những con người đã sinh ra đời”, nhất là những ai đang trải qua những giờ phút bất an, lo âu và khó khăn.” 

Đức Thánh Cha Bênêđictô nhấn mạnh: Ánh sáng này có mục đích gì? Đó là để “xóa tan những bóng tối của những sự sai lầm và tội lỗi, và đưa con người tới ánh sáng thiêng liêng. Ngài ghi nhận rằng khi người ta cố gắng tắt đi nguồn ánh sáng này để “thắp lên những nguồn sáng khác ảo ảnh và mù quáng”, như thế lại làm “khai mở ra những giai đoạn bị đánh dấu bởi những bạo tàn khủng khiếp trên thế gian”: “khi người ta muốn xóa đi Danh Thánh Chúa trên những trang sử” thì nẩy sinh ra “những lề luật bị bẻ trẹo”, khiến cho “ngay cả những lời nói đẹp đẽ và cao trọng nhất cũng mất đi hết ý nghĩa.” 

Đức Thánh Cha đã đưa ra những thí dụ về các từ ngữ “tự do”, “ích lợi chung”, “công bình”: nhưng “mất đi gốc rễ nơi Thiên Chúa, và không ở trong tình yêu của Người, những thực tại này thường bị những lợi ích riêng tư của con người chi phối, và mất đi sự liên kết với những đòi hỏi về chân lý và trách nhiệm dân sự.”

Đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô hôm nay, Cây Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô “biểu hiệu cho đức tin và đời sống đạo của” những tín hữu “qua bao nhiêu thế kỷ đã gìn giữ một kho báu thiêng liêng quan trọng, được trình bầy trong các nền văn hóa, trong nghệ thuật, và trong các truyền thống địa phương.”

Chúa Là Bạn Nghiã Thiết Ðời Con

Con biết Chúa năm mười sáu tuổi,
Hồn ngây thơ chưa từng nhuốm bụi đời.
Trái tim non chưa từng biết nói lời,
Yêu vớ vẩn, tương tư thầm, trộm nhớ.

Con biết Chúa qua chuyện tình Thập Giá,
Chuyện Chúa Trời xuống thế cứu muôn dân.
Chịu roi đòn đau đớn đến bội phần.
Ôm hết trọn muôn vạn ngàn tội lỗi.

Tội muôn loài, khiến cho Ngài hấp hối,
Nhỏ máu đào trên Thập Giá cô đơn.
Trước tử thần cương quyết dạ không sờn.
Ngay cả lúc bạn bè đều trốn mất,

Họ ngủ say khi Ngài cần tỉnh thức.
Bữa Tiệc Ly họ ăn uống no say,
Vườn Cây Dầu họ ngủ quên cả Thầy.
Ngủ lăn lóc trong khi Thầy hấp hối.

Môn đệ yêu cũng ba lần dám chối,
“Tôi không hề biết người ấy là ai!”
Không lặng thinh mà cương quyết chối dài
Chúa con ơi! Hỡi Người Tình Muôn Thuở!

Sáu bốn năm con quyết chí theo Ngài,
Ðã bao lần quên Chúa, và làm ngơ?
Xin thứ tha, con tội lỗi dại khờ
Vì con biết, Ngài nhân từ chí ái. 

Cám Ơn Ngài

Cám ơn Ngài cho những ngày thu, 

Cho đồi xanh, tím trong sương mù,
Cho hàng cây xanh, vàng, đỏ thẫm,
Cho nai vàng nhẹ bước lãng du.

Cám ơn Ngài cho những ngày đông,
Cho khí trời trong vắt lạ lùng,
Cho tuyết rơi phủ đầy muôn lối,
Trắng đồi cây, trắng cả một vùng.

Cám ơn Ngài cho những ngày xuân,
Cho cỏ xanh mơn mởn ngoài sân,
Cho ngàn hoa tưng bừng khoe sắc,
Cho muôn vật tăng sức bội phần.

Cám ơn Ngài cho những ngày hè,
Cho mưa tuôn nước chảy ngoài khe,
Cho mây trắng trời xanh cao vút,
Cho chim kêu vượn hót cả bè.

Cám ơn Ngài cho cả địa cầu,
Cho trăng sao soi sáng đêm thâu,
Cho vầng ô ban ngày sưởi ấm,
Cho bao la vũ trụ thâm sâu.

Cám ơn Ngài cho những bình minh,
Cho sưong rơi chĩu nặng trên cành,
Nắng thủy tinh chiếu ngời lóng lánh,
Ngày mới lên ngôi, vạn phúc lành.

Cám ơn Ngài cho những hoàng hôn,
Cho buồn vui len lén vào hồn,
Cho muôn nhà cơm chiều trên bếp,
Khói xanh lam bay toả ngõ thôn.

Cám ơn Ngài cho những của ăn,
Chất đầy mâm không phải nhọc nhằn,
Ngũ cốc, trái cây và tôm cá,
Chim trời bẫy và muông thú săn.

Cám ơn Ngài cho một mái nhà,
Ðỡ mưa, che nắng, chống tuyết sa,
Gia đình êm ấm, bao kỷ niệm,
Vợ chồng con cái chẳng rời xa.

Cám ơn Ngài cho những tình yêu,
Bạn bè, quyến thuộc biết bao nhiêu,
Hội đoàn, giáo xứ, hay công sở,
Nâng đỡ, ủi an, thật rất nhiều.

Cám ơn Ngài ban cho sức khỏe,
Ðã chữa lành những lúc đớn đau,
Ðã giữ gìn cho khi còn trẻ,
Ðã ủi an những lúc âu sầu.

Cám ơn Ngài đã cho tiếng nói,
U ơ từ khi mới chào đời,
Tiếng Việt ươm thơm giòng sữa mẹ,
Câu ru hời tù lúc nằm nôi.

Cám ơn Ngài biển rộng sông dài,
Ðỡ đần cho những lúc thiên tai,
Nơi non sông, quê hương cẩm tú,
Dù bao lần chinh chiến không phai.

Cám ơn Ngài ban bố Ðức Tin,
Lúc bơ vơ Ngài đã đoái nhìn,
Ðã cho vào đoàn chiên Thiên Chúa,
Theo Ngài và yêu mến hết tình.

Cám ơn Ngài cho biết nói lời,
Kết thành thơ ca tụng Chúa Trời,
Ðội ơn Ngài yêu thương nâng đỡ,
Giữ gìn trong sóng gió biển đời.

Bùi Hữu Thư

Tạ Ơn Ngài

Tạ ơn Ngài đã cho con hơi thở,

Đã cho con ra đời,

Với trái tim rộng mở,

Để con yêu đời và yêu người.
.

Tạ ơn Ngài, năm con mười sáu,

Đã cho con gặp Ngài,

Trong cuốn truyện quý báu,

Kể cuộc khổ nạn của Ngài,

Tạ ơn Ngài cho con được Rửa Tội,

Năm con vừa hai mươi,

Để con được sạch lỗi,

Cho làm con cái Người.

Tạ ơn Ngài đã giữ gìn cuộc sống,

Qua bao tháng năm trời,

Trên sông sâu, biển rộng,

Nhiều gian khổ  trong đời.

Bùi Hữu Thư

‘Một trong những thảm trạng ghê gớm nhất trên thế giới là việc buôn người’

Đức Thánh Cha cám ơn Hội RENATE về các họat động nhắc nhớ chúng ta về ‘Các nỗ lực lớn lao nhưng thầm lặng’ để chăm sóc cho những người bị tổn thương về phẩm giá và đã phải mang những vết sẹo vì những kinh nghiệm đau thương.” 
Osservatore Romano, ngày 7 tháng 11, 2016

 “Một trong những vết thương ghê gớm nhất trên thế giới là việc buôn người . Đây là một hình thức nô lệ tân thời, vi phạm phẩm giá Chúa ban, của bao nhiêu người anh chị em chúng ta và là một tội phạm đối với nhân lọai

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay nhấn mạnh điều này khi ngài tiếp kiến các hội viên của hệ thống các Dòng Tu tại Âu Châu chống việc buôn người và khai thác con người (Religious in Europe Networking Against Trafficking and Exploitation: RENATE). Hiệp hội này đến Rôma từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 11, 2016 để tham dự Hội Nghị Âu Châu lần thứ Hai với chủ đề “Việc chấm dứt tệ trạng buôn người phải bắt đầu từ chúng ta.”


Đức Thánh Cha công nhận ngay là đã có nhiều thành quả trong việc tạo dựng ý thức của quần chúng về sự trầm trọng và lan tràn của vấn đề này: “Còn cần phải làm nhiều hơn trên mức độ đề cao ý thức công chúng và thực hiện những nỗ lực hợp tác tốt đẹp hơn giữa các chính phủ, các nhà lập pháp, các giới chức công quyền và các cán sự xã hội.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Như các bạn đã biết, một trong những thách đố của công trình hỗ trợ, giáo dục và hợp tác là có sự thờ ơ nào đó và ngay cả có sự đồng phạm, một khuynh hướng của nhiều người là quay mặt đi, và còn có những tổ chức có quyền lực và các hệ thống tội phạm muốn tham gia để mưu đồ trục lợi.”

Vì lý do này, tôi rất cảm kích về các nỗ lực của các bạn trong việc nâng cao ý thức của quần chúng về thảm trạng này. Thảm trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em. Nhưng tôi cũng muốn cám ơn các bạn một cách đặc biệt về nhân chứng của các bạn về Phúc Âm của lòng thương xót, Như đã được bầy tỏ trong sự cam kết của các bạn về sự phục hồi và gây dựng lại phẩm giá cho các nạn nhân”.

“Các họat động của các bạn trong lãnh vực này nhắc nhớ chúng ta về “những nỗ lực to lớn và thường khi rất âm thầm đã được rất nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ thực hiện trong nhiều năm’, để chăm sóc những người đã bị tổn thương về phẩm giá và đã mang những vết sẹo vì kinh nghiệm đau thương họ trải qua.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những phụ nữ đã đồng hành với các phụ nữ khác và trẻ em trong hành trình chữa lành và tái nhập xã hội của họ..

Ngài nói: “Các bạn thân mến, tôi tin rằng việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và khả năng của các bạn trong những ngày này sẽ đóng góp cho một chứng tá Phúc Âm hiệu lực hơn, tại nơi là một trong những lãnh vực cao quý nhất của xã hội đương thời. Tôi dâng các bạn và tất cả những người các bạn đang phuc vụ cho sự cầu bầu yêu thương của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót. Tôi cũng chúc lành cho các bạn như một cam kết về niềm vui và bình an trong Chúa Kitô.”

Hướng dẫn của các Giám Mục Virginia về việc bầu cử

Bổn Phận Công Dân của người Công Giáo và là con cái của Thiên Chúa

Thông tư cùa Đức Giám Mục Francis DiLorenzo và Paul Loverde, Tháng 10, 2016

Chỉ cón vài ngày nữa trước ngày bầu cử 8 tháng 11, chúng ta cần nhớ lời Đức Thánh Cha Phanxicô nới với các chính trị gia và tín hữu, vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2015.

Nhắm vào lời Chúa trong Phúc Âm, Đức Thánh Cha khuyên nhủ “toàn  thể dân chúng Hoa Kỳ” – các giới chức và cử tri như nhau – là phải theo “hướng dẫn rõ ràng” của Luật Vàng (MT 7:12), hướng dẫn chúng ta “đối xử với tha nhân bằng cùng lòng ưu ái và thương cảm như chúng ta muốn được đối xử như vậy.” Ngài cũng nói, “Các bạn được mời gọi để bảo vệ và duy trì phẩm giá của các đồng bào trong việc theo đuổi không mỏi mệt và đòi hỏi của lợi ích chung, vì đây là mục tiêu chính yếu của mọi chính trị.”


Điều này có nghĩa là vào ngày bầu cử và trong suốt năm – dủ cho những tranh luận chính trị xung quanh chúng ta không được lịch sự - bổn phận công dân của chúng ta là phải tham gia vào thể thức chính trị.

Như các giám mục Hoa Kỳ bạn  đã nhấn mạnh, “Bổn phận [họat động cho một xã hội công chính và có trật tự] thiết yếu hơn bao giờ hết trong môi trường chính trị hiện đại, nơi người Công Giáo có thể cảm thấy chán nản về chính trị,cho rằng không có đảng phái nào và quá ít ứng viên hoàn toàn chia sẻ sự cam kết rõ ràng của Giáo Hội đối với đời sống và phẩm giá của tất cả mọi con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là lúc chúng ta rút lui hay nản chí, mà là lúc phải tái thiết việc tham gia.” (
Tạo Dựng Lương Tâm cho Công Dân Trung Thánh, Số 16. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 2015)

Nền tảng của “sự tái thiết tham gia” này là một lương tâm đã được tu chỉnh kỹ càng – một lương tâm đã được tu luyện bằng kinh nguyện, các Bí Tích, học hỏi và nhận định các vấn đề chính yếu và đức tính của các ứng viên, và cuối cùng bằng những nguyên tắc hướng dẫn của đức tin chúng ta.

Bốn nguyên tắc của giáo huấn Công Giáo về xã hội hướng dẫn chúng ta: Duy trì phẩm giá cố hữu của mọi con người, cố gắng cải thiện lợi ích chung, và kết hợp các nguyên tắc về hỗ trợ và liên đới. Muốn biết thêm về các nguyên tắc này xin vào trang: www.vacatholic.org  và www.faithfulcitizenship.org .

Giáo huấn của Giáo Hội dậy chúng ta là phẩm giá của một con người là cốt lõi của giáo huấn Công Giáo về luân lý và xã hội, và là nền tảng của một viễn ảnh về luân lý cho xã hội. Phẩm giá này mời gọi chúng ta chống lại mọi họat động đóng góp cho điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một nên văn hóa vứt đi”. Như các giám mục Hoa Kỳ đã ghi nhận: “Bất cứ chính trị nào về phẩm gía con người cũng phải đề cập đến các vấn đề nghiêm trọng về kỳ thị chủng tộc, nạn nghèo khó, đói khát, thất nghiệp, giáo dục, nhà cửa, và y tế.

 . . . Nếu ta hiểu rằng con người là “đền thờ của Thánh Thần” – ngôi nhà sống động của Thiên Chúa – thì các vấn đề này sẽ nằm đúng chỗ của các cột kèo chính của ngôi nhà này. “Mọi sự tấn công đối với đời sống con người, như  là phá thai, an lạc tử là phá hủy nền móng của ngôi nhà này.” (Sống Phúc Âm của Sự Sống, Số. 22, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 1998)

Trong khi chúng ta cân nhắc các vần đề, cần công nhận rằng tất cả các vấn đề đều có một tầm quan trọng về luân lý như nhau. Bổn phận luân lý của chúng ta là chống lại các chính sách cổ võ cho các hành động độc ác phải có tầm quan trọng trước hết về lương tâm và hành động của chúng ta. Các hành động độc ác là những gì chúng ta không bao giờ được làm vì không phù hợp với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Kể cả việc phá thai (xẩy ra trên một triệu lần hàng năm tại Hoa Kỳ), trợ tử, tạo sinh vô tính, các nghiên cứu phá hủy các phôi thai, sát nhân, tra tấn, kỳ thị chủng tộc, tấn công những người thường dân vô tội trong các cuộc chiến tranh khủng bố, và tái định nghĩa hôn nhân.

Trong khi chúng ta suy nghĩ về các hành động độc ác cố hữu, chúng ta đặc biệt ghi nhận hai lãnh vực dễ hiểu nhầm đã xuất hiện trong mùa bầu cử này.

Lãnh vực đầu tiên là một người có thể “chính thức” chống đối việc phá thai, nhưng lại yểm trợ cho các đạo luật cho phép việc này. Đây là một sự hiểu nhầm căn bản cả về luật thiên nhiên lẫn giáo huấn của Giáo Hội. Lợi ích chung và bác ái Công Giáo buộc chúng ta phải họat động đề lật đổ - thay vì hỗ trợ hay đồng ý cho – các đạo luật bất công. Nguyên tắc căn bản của sự bình đẳng khẳng định rằng tất cả mọi con người đều có quyền sống. Phá thai tước đọat quyền này đối với tất cả một hạng người, vì vậy cho phép có sự bát công và đối nghịch với quan niệm nền tảng của sự bình đẳng. Thực vậy, “Đây là một lỗi lầm có hậu quả quan trọng khi coi việc hủy diệt các sự sống con người vô tội như chỉ là một vấn đề lựa chọn cá nhân. Một hệ thống luật pháp vi phạm quyền sống căn bản dựa trên sự lựa chọn cá nhân hoàn toàn sai lạc.” (FC, No. 22)

Lãnh vực thứ hai là cơ cấu của hôn nhân. Đáp lại luân điệu rằng cơ cấu này có the được tái định nghĩa, hay là Giáo Hội có ngày có thể thay đổi giáo huấn về hôn nhân, chúng tôi khẳng định rằng hôn nhân chỉ có thể là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Đây không chỉ là học thuyết của bất cứ tôn giáo nào, mà là sự thấu hiểu bản chất căn bản của nhân lọai chúng ta.

Sự làm sáng tỏ này cần thiết khi chúng ta xem xét việc bỏ phiếu và làm thế nào để cỏ võ cho ích lợi chung. Lựa chọn để bỏ phiếu cách nào thường khi rất khó khăn. Như đã ghi nhận, các vấn đề đều quan trọng, nhưng không hẳn là tất cả đều quan trọng như nhau; và bổn phận tiên quyết của chúng ta là phải bảo vệ cho quyền sống trên đó tất cả các quyền khác phải dựa vào. Đức tin bảo chúng ta phải nhận định cẩn thận sự cam kết, đức tính, sự công chính, và khả năng tạo ảnh hưởng trên một vấn đề quan trọng của mỗi ứng viên.

Gia trang của Hội Đồng Giám Mục Virginia www.vacatholic.org  cung cấp các tài liệu trợ giúp các cử tri trong khi họ chuẩn bị đi bầu, kể cả một so sánh giữa hai ứng viên của hai đảng phài chính về lập trường của họ về mỗi vấn đề; một danh sách của các ứng viên của một đảng thứ ba; một hướng dẫn bầu cử các dân biểu; và Bốn Nguyên Tắc của Giáo Huấn Công Giáo về Xã Hội.

Ngay cả trong các cuộc bầu cử khó khăn, người Công Giáo được mời gọi để làm sáng tỏ và đem sự xử thế lịch sự vào môi trường công cộng/ Chúng tôi kết hiệp trong cầu nguyện và suy niệm, để với sự khôn ngoan và thông hiểu chúng ta có thể lựa chọn các vị lãnh đạo với một lương tâm đã được tạo dựng đúng đắn.

Đức Giám Mục s Francis DiLorenzo và Paul Loverde,

Quản giáo Giáo Phận Arlington và Giám mục Richmond

Sự Hiệp Nhất của các Kitô hữu phải là ưu tiên chính yếu

Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố tại Thụy Điển

Ngày 31 tháng 10, 2016

Hôm nay Đức Thánh Cha tuyên bố tại Thụy Điển, trong một chuyến tông du 24 giờ về mục đích đại kết, nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành: “Sự hiệp nhất của các Kitô hữu phải là vấn đề ưu tiên, vì chúng ta ý thức rằng có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta.”


Ghi nhận quá trình đối thọai trong 50 năm qua giữa Công Giáo và Tin Lành, Đức Thánh Cha nói rằng hành trình tiến tới việc hiệp nhất “chính là món quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha ghi nhận: Một trong những hoa trái của cuộc đối thọai này là việc hợp tác trong các công trình bác ái của lòng thương xót. Diễn từ của Đức Thánh Cha tiếp theo bốn chứng từ của những người nói về các nhu cầu của thế giới. Một Đức Giám Mục từ Aleppo cũng trình bầy cảm nghĩ của ngài.

Đức Thánh Cha nói: “Các chứng nhân hùng hồn này làm cho chúng ta phải suy nghĩ về chính cuộc sống của chúng ta và bằng cách nào chúng ta có thể đáp ứng các hoàn cảnh thiếu thốn và đau khổ chung quanh chúng ta.”

Ngài nói: “Đối với chúng ta là các Kitô hữu, vấn đề ưu tiên là phải tiếp cận những người bị hất hủi và bỏ rơi trong thế giới chúng ta, và làm cho họ cảm nhận được tình yêu dịu hiền và đầy thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không chối bỏ một ai, nhưng đón nhận tất cả mọi người.”

Chú trọng tới tình hình ở Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng hàng ngày nhiều tin tức cho thấy “những đau khổ vô tả đang bị cuộc chiến tại Syria gây ra, tới nay đã kéo dài trên năm năm.”

Ngài nói rằng tất cả mọi người dân Syria đều “cần được chúng ta yêu thương và cầu nguyện cho họ.”

Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu khẩn Thiên Chúa ban cho những người chịu trách nhiệm về định mệnh của miền đất này có được ân sủng của sự hoán cải sâu xa.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Anh chị em thân mến, chúng ta đứng nản chí trước những khó khăn. Ước gì những cầu chuyện chúng ta được nghe hôm nay sẽ thúc đẩy chúng ta và giúp chúng ta có thêm nghị lực để cùng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Khi chúng ta trở về nhà, chúng ta hãy cam kết sẽ làm hàng ngày những hành động và cử chỉ hầu đem lại hoà bình và hoà giải, để trở nên những chứng nhân can đảm và trung thành của niềm hy vọng Kitô giáo.”

Subscribe to this RSS feed