Góc Nhìn Mục Vụ - Maria: Mẹ Thiên Chúa

  • 31 December 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Chính vào ngày Giáng Sinh, lúc “Bà đã sinh con đầu lòng” (Lc 2,7), chứ không phải trước đó, mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa cách thực sự và trọn vẹn. Mẹ không phải là một tước hiệu như những tước hiệu khác, thêm vào bên ngoài mà không ăn sâu tận trong chính con người đó.

Người ta chỉ trở nên người mẹ khi trải qua một loạt những kinh nghiệm, những kinh nghiệm đó để lại những dấu ấn mãi mãi và làm thay đổi không những hình dạng người phụ nữ mà cả ý thức của người đó về chính mình. Làm mẹ, là một trong những biến cố xảy đến “một lần mãi mãi”. Với bí tích truyền chức thánh, người ta nói: “Một khi làm Linh Mục thì mãi mãi là Linh Mục”, do ấn tích mà, theo giáo lý Công Giáo, Bí Tích Truyền Chức in trong linh hồn. Ðiều này hẳn càng đúng đối với người phụ nữ: một khi làm mẹ thì mãi mãi là mẹ. Trong trường hợp đó ấn tích không phải là một dấu vô hình mà biến cố để lại nơi tâm hồn hay trong thân xác, mà là một tạo vật, một hài nhi, mà phận của nó mãi mãi sống bên mẹ và gọi người đó là mẹ.

Khi nói về Ðức Maria, Kinh Thánh luôn làm nổi bật hai yếu tố hay hai thì căn bản mà ngay cả kinh nghiệm thông thường của con người cũng xem đó là những yếu tố chính cấu thành vai trò làm mẹ theo nghĩa đích thực và trọn vẹn. Ðó là sự thụ thai và sinh hạ: “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai và sinh con” (Lc 1,31). Trình thuật Matthew cũng nhấn mạnh hai khía cạnh đó: “Thai sinh” nơi Người do tự Thánh Thần và Người sẽ “sinh hạ” con trai (x. Mt 1,20tt). Tiên tri Isaia cũng dùng chính những từ ngữ đó trong lời tiên báo về sự việc: “Này cô nương sẽ thụ thai và sinh con” (Is 7,14). Khi nói rằng, chính vào ngày Giáng Sinh mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa trọn vẹn, là tôi muốn hiểu như thế. Về hai khía cạnh này, Giáo Hội Latin thường dùng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), tước hiệu này làm nổi bật khía cạnh thứ nhất hơn. Còn tước hiệu “Theotókos” mà Giáo Hội Hy Lạp thường dùng, lại làm nổi bật khía cạnh thứ hai, là việc sinh hạ (“Tikto” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tôi sinh hạ). Khía cạnh thứ nhất, sinh đẻ, tùy thuộc cả cha lẫn mẹ, còn sinh hạ chỉ thuộc về người mẹ.

Mẹ Thiên Chúa: tước hiệu diễn tả một trong những mầu nhiệm và là một trong những nghịch lý sâu xa nhất của Kitô giáo đối với ký trí con người; một tước hiệu làm cho Phụng Vụ Giáo Hội chất đầy nỗi kinh ngạc sững sờ. Lấy lại nỗi ngạc nhiên của dân Cựu Ước lúc vinh quang Thiên Chúa đậu tại nơi Ðền Thánh dưới dạng đám mây (1V 8,27), Phụng Vụ cất lên: “Ðấng mà các tầng trời không thể chứa đựng đã khép mình nơi lòng dạ Người! Ngài đã làm người”.[1] Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu thuộc tín lý cổ xưa nhất và quan trọng nhất dành cho Ðức Trinh Nữ Maria. Tước hiệu này đã được định tín tại Công Ðồng Ephesus như là chân lý mà mọi Kitô hữu phải tin. Nó là nền tảng cho tất cả sự cao cả lớn lao của Ðức Maria, là chính nguyên lý của Thánh Mẫu học. Do tước hiệu đó, Ðức Maria không những là đối tượng của lòng sùng kính mà còn là đối tượng của thần học. Nói khác đi, Ðức Maria đi vào trong chính suy tư về Thiên Chúa, vì chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria có liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa. Tước hiệu này còn là một tước hiệu mang tính đại kết nhất, không những vì nó được định tín trong một Công Ðồng chung, mà còn vì đó là tước hiệu được tất cả các Giáo Hội Kitô, không phân biệt, chấp nhận, ít là trên nguyên tắc.

Chúng ta sẽ bàn về tín điều Ðức Maria “Mẹ Thiên Chúa”, trọng tâm giáo lý về Ðức Maria, theo ba cách hay ba thái độ khác nhau, và ba cách này chắc hẳn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trọng tâm đó. Chúng ta sẽ xét tín điều này dưới khía cạnh lịch sử, trong sự chiêm ngắm của đức tin và với áp dụng thực tế cho đời sống chúng ta.

“NẾU AI KHÔNG TIN RẰNG ÐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA”: MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ XÉT VỀ HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU

Chúng ta không thấy Tân Ước minh nhiên dành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” cho Ðức Maria. Tuy nhiên, trong đó ta thấy có những khẳng định, mà sau này, nhờ suy tư chăm chú của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứng tỏ chân lý đó đã được manh nha trong Tân Ước. Như chúng ta đã biết, Tân Ước nói về Ðức Maria rằng, Người đã thụ thai và sinh một con trai, và đó là Con Ðấng Tối Cao, là Ðấng Thánh và là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,31 - 32.35). Như thế, đối với các Tin Mừng, Maria là mẹ của một người con, người con đó chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Maria thường được gọi là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Chúa (x. Lc 1,43) hay đơn giản là “Mẹ” hoặc “Mẹ Ngài” (x. Ga 2,1-3). Giáo Hội, trong sự tiến triển của đức tin, làm sáng tỏ cho mình Giêsu là ai trước khi tìm hiểu Maria là mẹ của ai. Tất nhiên, không phải tới Công Ðồng Ephesus năm 431, Ðức Maria mới là Mẹ Thiên Chúa, cũng như không phải tới Công Ðồng Nicée 325, là Công Ðồng định tín Ðức Giêsu là Thiên Chúa thì Ngài mới bắt đầu là Thiên Chúa. Ngài đã là Thiên Chúa từ trước. Ðúng hơn, đó là thời điểm mà trong sự tiến triển và minh giải đức tin của mình, dưới sức ép của lạc giáo, Giáo Hội ý thức đầy đủ và xác định lập trường của mình về chân lý đó.

Việc khám phá ra một ngôi sao mới cũng tương tự như thế: không phải lúc ánh sáng của nó chiếu tới địa cầu và nhà quan sát thâu được thì lúc đó nó mới ra đời, nhưng nó đã hiện hữu từ trước, có thể từ cả hàng ngàn năm ánh sáng. Việc định tín của Công Ðồng là lúc ngọn đèn được đặt lên trụ đèn, tức là Kinh Tin Kính của Giáo Hội.

Trong tiến trình dẫn đến việc long trọng công bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phân biệt ba giai đoạn chính.

1. Mẫu tính “thể lý” của Ðức Maria: Thời kỳ chống thuyết ngộ đạo

Lúc ban đầu và trong suốt thời kỳ mà cuộc chiến chống các lạc giáo ngộ đạo và ảo thân chi phối, mẫu tính của Ðức Maria được xem xét hầu như chỉ dưới khía cạnh thể lý. Các lạc giáo này phủ nhận việc Ðức Kitô có một thân xác nhân loại đích thực, hoặc nếu có thì thân xác đó không phải sinh bởi một người nữ, hay nếu sinh bởi một người nữ đi nữa, thì nó không thực sự là hoa quả do xác thịt, máu huyết của người nữ đó. Ðể chống lại chủ trương như thế, cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng Giêsu thực sự là con của Ðức Maria và là “hoa quả lòng Người” (Lc 1,42), và rằng Maria thực sự và xét theo bản tính, là Mẹ của Ðức Giêsu. Là vì một số người theo lạc giáo vẫn công nhận Ðức Giêsu sinh bởi Ðức Maria, nhưng họ lại không nghĩ rằng Ngài đã được thụ thai trong lòng Ðức Maria, từ chính xác thịt của Ðức Maria: Ðức Kitô sinh “qua” Ðức Trinh Nữ, chứ không sinh “bởi” Ðức Trinh Nữ, vì “từ trời, Ngài được đưa vào lòng Ðức Trinh Nữ và Ngài ra khỏi đó như kiểu là đi qua hơn là một sinh sản thực sự. Ngài đến không phải bởi Ðức Trinh Nữ mà là qua Ðức Trinh Nữ, nên đối với Ngài, Ðức Trinh Nữ không phải là Mẹ mà là con đường”,[2] Ðức Maria “không mang thai Ðức Giêsu như là con mình nhưng như khách trọ của mình”.[3]

Mẫu tính của Ðức Maria, trong giai đoạn đầu tiên này, được dùng chủ yếu để chứng minh nhân tính đích thực của Ðức Giêsu. Ðiều khoản trong Kinh Tin Kính: “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã sinh ra - Người đã mang lấy xác phàm - bởi Ðức Trinh Nữ Maria”. Ban đầu, bản văn này chỉ muốn khẳng định rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người: Thiên Chúa, xét vì Ngài sinh ra theo Thần Khí, nghĩa là bởi Thiên Chúa, và là người, xét vì Ngài sinh ra theo xác phàm, nghĩa là bởi Ðức Maria.

2. Mẫu tính “siêu hình” của Ðức Maria: Thời kỳ tranh luận lớn về Kitô học

Tước hiệu “Theotókos” đã xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ xa xưa đó, thời mà mẫu tính thực sự hay mẫu tính tự nhiên của Ðức Maria được khẳng định để chống lại phái ngộ đạo và ảo thân, và rồi, việc sử dụng tước hiệu này sẽ dẫn Giáo Hội đến chỗ khám phá ra mẫu tính thần linh sâu thẳm hơn, và chúng ta có thể gọi đó là mẫu tính siêu hình. Những tranh luận lớn về Kitô học thế kỷ V là nguyên lai của bước tiến triển này. Vấn đề trọng tâm về Ðức Giêsu Kitô lúc bấy giờ không còn là vấn đề nhân tính đích thực của Ngài mà là vấn đề về sự “duy nhất ngôi vị” của Ðức Kitô. Mẫu tính của Ðức Maria được hiểu không những trong sự qui chiếu về nhân tính của Ðức Kitô, mà đúng hơn qui chiếu về ngôi vị duy nhất của Ngôi lời làm người. Và bởi ngôi vị duy nhất đó sinh ra theo xác phàm không gì khác hơn là ngôi vị thần linh của Chúa Con nên Ðức Maria xuất hiện như là “Mẹ Thiên Chúa” đích thực.

Về điều này, chúng ta có thể xem những gì xảy đến với tư cách làm mẹ bình thường của con người như một ví dụ. Một người mẹ cho con mình thân xác, còn linh hồn trực tiếp do Thiên Chúa phú bẩm. Thế nhưng tôi không gọi là mẹ của thân xác tôi mà chỉ gọi là “mẹ tôi”, mẹ của tất cả con người tôi, bởi lẽ nơi tôi linh hồn và thân xác làm thành một bản tính độc nhất, chỉ một thực tại con người mà thôi. Cũng tương tự như thế, Ðức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa, dù rằng Người chỉ cho Ðức Giêsu nhân tính chứ không cho thần tính, vì nơi Ngài nhân tính và thần tính làm thành một ngôi vị duy nhất.

Mối liên hệ giữa Ðức Maria và Ðức Kitô không chỉ thuộc bình diện thể lý mà còn thuộc bình diện siêu hình. Ðiều này đặt Ðức Maria lên một đỉnh cao chất ngất, vì qua đó, Ðức Maria có một mối liên hệ độc nhất vô nhị với Chúa Cha. Tại Công Ðồng Ephesus, chân lý này mãi mãi trở thành một thủ đắc của Giáo Hội. Một bản văn được Công Ðồng này phê chuẩn tuyên bố: “Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa thực sự là Ðấng Emmanuel (và do đó) không tuyên xưng rằng Ðức Maria, vì sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người theo xác phàm, là Theotókos, người đó phải vạ tuyệt thông”.[4] Lời tuyên bố của bản văn này đã khiến cho dân Ephesus, những người đang chờ các nghị phụ ra khỏi phòng họp Công Ðồng, reo mừng hớn hở và, với đèn đuốc trong tay, họ hát lên những bài thánh ca, tháp tùng các nghị phụ đến tận nơi ở của các vị. Lời công bố này làm dậy nên lòng sùng kính không ngơi đối với Mẹ Thiên Chúa, ở Ðông cũng như Tây phương. Các ngày lễ trong Phụng Vụ, các ảnh thánh (icónes), các thánh thi và vô số thánh đường được xây dựng để mừng kính Ðức Maria là sự biểu lộ hùng hồn lòng sùng kính đó.

3. Mẫu tính “tinh thần” của Ðức Maria: Cống hiến của Tây phương

Ðào sâu như vậy chưa phải đã đến mức tận cùng. Sau cấp độ thể lý, sau cấp độ siêu hình, còn một cấp độ khác cần phải khám phá về mẫu tính thần linh (chức làm Mẹ Thiên Chúa) của Ðức Maria. Trong các tranh luận Kitô học, tước hiệu “Theotókos”, mặc dầu là một tước hiệu về Ðức Maria, nhưng giá trị của nó được khẳng định nhằm đến ngôi vị Ðức Kitô hơn là vì con người Ðức Maria. Người ta vẫn chưa rút ra tất cả các hệ quả của tước hiệu đó đối với con người của Ðức Maria và nhất là sự thánh thiện vô song của Người. “Theotókos” thay vì là sự biểu lộ của đức tin và của lòng kính mến của Giáo Hội đối với Ðức Maria, lại có nguy cơ trở thành một vũ khí giữa các trào lưu thần học đối nghịch. Một chi tiết nhỏ đủ cho thấy rõ điều đó: khi cuộc tranh luận lên đến cực điểm, thánh Cyrille thành Giêrusalem đã chiến đấu như một mãnh sư để bảo vệ cho tước hiệu “Theotókos”; thế nhưng trên thực tế, trong số các Giáo Phụ, ngài lại là người buông ra một cung chói tai trong bản hòa tấu ca ngợi, tôn vinh sự thánh thiện của Ðức Maria. Ngài đứng vào số ít người gán cho Mẹ Chúa những yếu đuối và khiếm khuyết, nhất là trên đồi Golgotha. Theo sau Origène, Cyrille không thể nào chấp nhận được việc một phụ nữ, dù đó là Mẹ Ðức Giêsu, lại có thể có một đức tin và một lòng dũng cảm lớn lao hơn các tông đồ, là những người, tuy là bậc nam nhi, cũng đã phải chao đảo, rúng động trong cuộc Khổ Nạn.[5] Những kiểu suy nghĩ như vậy phát xuất từ sự đánh giá thấp phụ nữ khá phổ biến trong thế giới cổ thời. Ðiều đó cũng cho thấy rằng việc nhìn nhận mẫu tính thể lý hay siêu hình của Ðức Maria cũng chẳng lợi ích bao nhiêu nếu người ta không đồng thời biết nhìn nhận một mẫu tính tinh thần nơi Ðức Maria, mẫu tính đó không những ghi sâu nơi thân xác mà còn cả nơi tâm hồn.

Ðóng góp lớn lao của các văn sĩ Latin, nhất là thánh Augustin, chính là ở điểm này. Mẫu tính của Ðức Maria được trình bày như là mẫu tính trong đức tin, một mẫu tính tâm linh. Chúng ta thấy cả một bài thơ vĩ đại ca ngợi lòng tin của Ðức Maria. Trước lời của Ðức Giêsu: “Ai là Mẹ Ta?”, thánh Augustin đã gán cho Ðức Maria, ở mức độ cao nhất, mẫu tính tinh thần đó, tức là việc thi hành Thánh Ý Cha: “Ðức Trinh Nữ Maria, kẻ đã tin bằng lòng tin, đã thụ thai bằng lòng tin, đã được chọn để khai sinh ơn cứu độ nhân loại, kẻ đã được tạo thành bởi Ðức Kitô trước khi Ðức Kitô được tạo thành nơi Người, chẳng lẽ Người đã không thi hành Thánh Ý Cha? Chắc chắn Ðức Maria rất thánh đã thi hành Thánh Ý Cha, và vì thế, đối với Ðức Maria, việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều lớn lao hơn so với việc làm Mẹ Ðức Kitô”.[6]

Như thế, mẫu tính thể lý và mẫu tính siêu hình của Ðức Maria được hoàn thành nhờ sự nhìn nhận về mẫu tính tinh thần hay mẫu tính của lòng tin, chính mẫu tính này đã khiến Ðức Maria trở thành nữ tử đầu tiên và là môn đệ ngoan hiền nhất của Ðức Kitô và, như thánh Augustin viết, là thụ tạo mà “vì vinh dự của Chúa, người ta thậm chí không nhắc đến khi nói về tội lỗi”.[7] Do mối quan hệ đặc biệt và độc nhất mà “mẫu tính thể lý” (maternité physique) hay “mẫu tính thực” (maternité réelle) tạo nên giữa Ðức Maria và Ðức Giêsu, giữa Ðức Maria với cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nên mẫu tính đó xét cách khách quan, là và vẫn mãi là đặc quyền lớn lao nhất, khôn sánh. Nhưng, mẫu tính thể lý sở dĩ được như thế là vì nó có được lời giải đáp phát xuất từ tâm hồn (réponse subjective), trong lòng tin khiêm hạ của Ðức Maria. Với Eva, “làm mẹ chúng sinh” chắc chắn là một ưu quyền độc nhất vô nhị, nhưng vì không có lòng tin, điều đó chẳng ích lợi gì cho bà, hay nói đúng hơn, chính vì đó mà bà trở nên bất hạnh thay vì hạnh phúc.

http://catechesis.net/index.php/than-hoc/tin-ly/mau-nhiem-duc-maria/3369-nguoi-se-thu-thai-va-sinh-con-trai-maria-me-thien-chua
________________________________________
Cước chú
* Bài này được trích trong (Trích trong sách Maria Uno Specchio Per La Chiesa của Raniro Cantalamessa được Nhóm linh mục DaLat chuyển ngữ với tựa đề Đức Maria: Tấm Gương Cho Giáo Hội.
[1]Ancien répons de Noel.
[2]Tertullien, Contre les Valentiniens 27,1: CC 2, p. 772.
[3]Tertullien, Sur la chair de Christ 21,4: CC 2, p. 911.
[4]Saint Cyrille d’Alexandrie, Anathène I contre Nestorius, dans Enchiridion Symbolorum, cité, n. 252.
[5]Saint Cyrille d’Alexandrie, Sur l’Évangile de Jean XII, 19, 25-27: PG 74, 661 ss.
[6]Saint Augustin, Sermon 72A: Denis 25, 7; Miscellanea Agostiniana I, p. 162.
[7]Saint Augustin, Nature et gráce 36, 42: CSEL 60, p. 263.

 

back to top