Góc Nhìn Mục Vụ - Tạ Ơn Và Giáng Sinh

  • 26 November 2016 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

TẠ ƠN VÀ GIÁNG SINH Fr. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.

Ở Bắc Mỹ, cứ đến mỗi cuối năm, chúng ta vui mừng cử hành hai ngày lễ hội lớn: Tạ Ơn (Canada mừng lễ này vào Thứ Hai tuần thứ hai của tháng 10; còn Hoa Kỳ mừng vào ngày Thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11) và Giáng Sinh (25 tháng 12). Hai ngày lễ này có thể liên quan với nhau như nguyên nhân và hiệu quả. Liên hệ nhân-quả này có thể được nhìn khởi từ lễ Tạ Ơn cho đến lễ Giáng Sinh hoặc từ lễ Giáng Sinh đến lễ Tạ Ơn.

Nếu chúng ta xem lễ Tạ Ơn như là nguyên nhân, chúng ta có thể nói rằng Lễ Tạ Ơn là lời cảm tạ của chúng ta dành cho Thiên Chúa và như vậy, lễ Giáng Sinh là lời Chúa trả lời “Không có chi.” Theo đó, chúng ta đi bước trước khi tri ân Chúa về những ân sủng và những ơn lành chúng ta đã lãnh nhận và Thiên Chúa đáp lại lòng tri ân của chúng ta bằng cách ban thêm cho chúng ta một món quà tuyệt vời, đó là chính Đức Giêsu Kitô. Nếu tính theo thời gian, Chúa chỉ cần “hai tháng” là biết được lòng tri ân của chúng ta.

Nếu chúng ta xem Lễ Giáng Sinh như là nguyên nhân, chúng ta có thể nói rằng Lễ Giáng Sinh là món qùa là chính Đức Kitô, Thiên Chúa trao ban cho thế giới và Lễ Tạ Ơn là lời cảm tạ của chúng ta dành cho Thiên Chúa vì ân sủng tuyệt vời ấy. Theo đó, Thiên Chúa đi bước trước với hành động trao ban và chúng ta đáp trả bằng lời nói “Tạ ơn.” Nếu tính theo thời gian, chúng ta phải cần đến “trọn mười tháng” để nhận ra được chân giá trị của hồng ân Chúa ban trong lễ Giáng Sinh rồi mới thốt lên lời cảm ơn!

Dĩ nhiên, tương quan thực sự của hai ngày lễ này phải là Lễ Giáng Sinh là nguyên nhân và Lễ Tạ Ơn là hiệu quả. Như thế, một năm được khởi đầu với Lễ Giáng Sinh và kết thúc với Lễ Tạ Ơn. Chúng ta cũng có thể nói về Gia đình và xã hội theo chiều hướng này: Gia đình là nguyên nhân còn xã hội là hiêuu quả. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: “Gia đình, được đặt nền tảng trên hôn phối tự do giao kết, nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly, được coi và phải được coi là tế bào đầu tiên và thiết yếu của xã hội loài người.”
Đức Thánh Cha đã nói rất đúng bởi lẽ các gia đình làm nên xã hội và không thể có một xã hội mà không gồm có các gia đình. Tuy nhiên, xã hội của chúng ta đang tìm mọi cách làm giảm giá trị của gia đình và bóp méo ý nghĩa của đời sống hôn nhân. Điều đó cũng giống như biến hiệu quả thành nguyên nhân. Đời sống gia đình đang bị lung lay bởi vì yếu tố nền tảng nhất của gia đình đang bị nguy hiểm. Gia đình không phải là một tư gia (nhà của một cá nhân); mà gia đình là “tế bào đầu tiên và thiết yếu của xã hội loài người.” Do vậy, gia đình phải là một thành phần trọn vẹn của xã hội (một phần mà không có nó, xã hội không còn được coi là xã hội nữa). Người Việt luôn luôn đặt gia đình trong một tương quan mật thiết với làng xóm và xã hội.

Trong tiếng Việt, Gia Đình là một danh từ kép, gồm có chữ gia (nhà riêng của một tư nhân) và đình (nếu là danh từ thì chỉ về nơi thờ phượng chung của một làng; nếu là động từ thì có nghĩa là ngừng nghỉ [như đình chỉ, đình chiến]). Như vậy, Gia Đình, xét như một tĩnh thể thì là nơi nghỉ ngơi của mọi người sống chung trong một mái nhà; nhưng nếu xét như một động thể (hay sinh thể có ý muốn nói đến các sinh hoạt liên chủ thể trong cộng đồng và tương quan với các thực thể khác), thì là một thành phần của một cộng đoàn gồm nhiều gia đình khác nhau tụ tập lại. Theo đó, danh từ Gia-Đình tự nó đã gói ghém một liên hệ mật thiết và hữu cơ giữa tư gia và xóm làng hoặc cộng đồng xã hội. Nhà Thờ trong tiếng Việt cũng là một danh từ kép, gồm có chữ nhà (nơi có người ở) và thờ (sự phụng tự của con người đối với Thiên Chúa). Nhà Thờ, xét như một tĩnh thể, thì là nơi thờ phượng công cộng; nhưng nết xét như một động thể, thì là mối tương quan linh thiêng giữa đời sống bình nhật của một gia đình với ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Nếu Thánh Đường là nơi tuôn trào sự sống và ơn lành của Thiên Chúa như tiên tri Ezekiel đã nói trong chương 47, thì từng ngôi nhà của cộng đồng giáo xứ phải là những tụ điểm đón nhận và thông truyền sự sống và ơn lành của Thiên Chúa cho từng thành phần trong nhà và cho những người chung quanh. Như vậy, danh từ Nhà-Thờ nhắc nhở vai trò trung tâm của Thiên Chúa tại mỗi tư gia của chúng ta và mối giây liên hệ tinh thần thiêng liêng với các gia đình khác trong giáo xứ.

Trong Anh ngữ, gia đình là FAMILY. Những chữ F.A.M.I.L.Y. này tượng trưng cho một thực tại thâm sâu, một sứ điệp căn bản và quan trọng. Đó là lời nói của một người con trong gia đình dành cho bố mẹ: “Cha (Father) và (And) Mẹ (Mother), con (I) yêu (Love) các ngài (You).” Thật là đẹp và sâu sắc khi gia đình là tổ ấm của tình yêu: nơi phát sinh, nuôi nấng, vun trồng và phát triển tình yêu máu mủ tự nhiên! Tuy nhiên, gia đình không chỉ là một căn nhà chứa đựng và nuôi dưỡng tình yêu của một gia đình duy nhất. Rộng hơn, toàn gia đình phải đồng thanh nói: “Cha, Mẹ và Tôi Yêu Qúi vị” (Father and Mother & I Love You [people]). Tình yêu của một gia đình phải được san sẻ cho các gia đình khác và phải sẵn sàng mời đón tình yêu của những gia đình khác. Nói cách khác, gia đình cá nhân phải nằm trong đại gia đình nhân loại và Giáo hội. Thêm vào đó, toàn gia đình phải biết đồng thanh nói: “Cha, Mẹ và Con Yêu Chúa” (Father and Mother & I Love You [God]). Nếu tình yêu trong gia đình được đặt trong tình yêu nhân loại và tình yêu Thiên Chúa, thì mọi chiều kích của thân phận con người đã được tôn trọng và trân quí: Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu người như yêu chính mình (Matthêu 22: 37). Tình yêu trong gia đình không đóng khung trong bốn bức tường của một căn nhà nhưng đến từ Thiên Chúa và lan toả cho những người khác.

“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vẫn thường được hiểu là: người nào có thể tu sửa chính bản thân mình, thì sẽ có khả năng chỉnh đốn và cai quản gia đình; người nào có khả năng cai quản gia đình cách tốt đẹp thì cũng có khả năng cai trị quốc gia; người nào có khả năng cai trị quốc gia giỏi giang, thì cũng có thể thống trị toàn thế giới. Theo tinh thần Kitô giáo, lối sống hay chủ trương như thế có vẻ quá hung hăng, vì người đạo đức phải là người: trí không hung, tài không lộ, tâm không ác và lòng không tham. Vì thế, chúng ta nên đổi lại câu nói trên của người xưa thành: “Thân tu, gia tề, quốc trị, thiên hạ bình,” để nói lên sự sống của Thiên Chúa và sức mạnh của ân sủng trong đời sống con người. Tôi không tu thân để cai quản gia đình của tôi trong trật tự; nhưng vì việc tôi và từng thành phần của gia đình tôi tu sửa chính mình hằng ngày, gia đình của tôi sẽ sống trong hòa thuận và thương yêu; nếu mọi gia đình đều sống hoà thuận và thương yêu, thì quốc gia sẽ được trị vì trong công bằng; nếu mọi quốc gia đều được sống trong công bằng và thịnh trị thì thế giới tất sẽ được thái bình. Tôi không tu sửa thân mình để chỉnh đốn gia đình rồi cai trị quốc gia và thống trị thiên hạ, nhưng vì việc tôi tu thân và sửa tính hằng ngày, gia đình được hoà thuận, quốc gia được hiển trị và thế giới được thái bình. Thái bình của thế giới là do từng người sống tốt lành hơn (không chỉ nghĩ về mình nhưng biết luôn nghĩ đến người khác), từng gia đình biết sống yêu thương thuận hoà hơn, và từng quốc gia biết tôn trọng sự thật, công bằng và quyền lợi của từng cá nhân hơn.

Mỗi người chúng ta hãy cố gắng tu thân, sửa đổi tính tính để mỗi ngày mỗi trở nên hiền hòa, hiếu đễ và thánh thiện hơn, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ được vinh danh, gia đình sẽ được đầm ấm yêu thương, quốc gia sẽ được thịnh trị và thiên hạ sẽ được thái bình. “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2: 14).

THANKSGIVING AND CHRISTMAS

At the end of each year here in North America, we joyfully celebrate two holidays: Thanksgiving (Canada celebrates this feast on the second Monday of October; the United States have it on the fourth Thursday of November) and Christmas (December 25). Thanksgiving has its origin in North America and yet Christmas has its origin in Palestine of Middle East. The former is now celebrated in few countries, mainly North America; the latter has been celebrated all over the world. Which feast generates the other? Does Thanksgiving lead to Christmas? Or does it the other way around? Chronologically, we celebrate Thanksgiving and the Christmas; but theologically Christmas should be celebrated prior to Thanksgiving.

Seeing Thanksgiving as the cause, one can say that Thanksgiving is our way of giving thanks to God and Christmas is God's way of saying ‘You're welcome.’ Consequently, we take initiative in appreciating all the gifts and blessings that we have received and God responds to our gratefulness by giving us yet the gift of all the gifts, Jesus Christ. Chronologically, it only takes God two months to show that he recognizes our gratitude.

Seeing Christmas as the cause, one can say that Christmas is God’s gift of Christ to the world and Thanksgiving is our giving thanks to God for such a blessing. Consequently, God takes initiative of giving and we respond by saying thanks. Chronologically, it takes us ten long months to figure out what a great blessing that God has given to the world at Christmas so that we gather together to give thanks to God.

The true relationship of these two holidays is, of course, Christmas is the cause and Thanksgiving is its effect. Thus, a year begins with Christmas and ends with Thanksgiving. We may relate family and society in the same way: family is the cause and society is its effect. Pope John XXIII said: “The family, grounded on marriage freely contracted, monogamous and indissoluble, is and must be considered the first and essential cell of human society.” The Holy Father is right since families make up society and there is no society without families. Our society, however, is trying to disvalue family and redefine the meaning of family. It is like turning effect into cause. Family life itself is shaking because the fundamental element of the family has been in danger. Family is not a private home; it is “the first and essential cell of human society.” Family, thus, is an integral part of society. The Vietnamese people always put family in a very close connection with village or society.

The Vietnamese term for family is Gia Ðình. It is a compound noun of Gia (a private home where all members of the house can rest and be nourished bodily and spiritually) and Ðình (the village’s common house where public activities and festivities are held). In the mind of the Vietnamese Catholics, Ðình is the village’s church. The term “Church” in Vietnamese is “Nhà Thờ.” It is also a compound noun. Nhà means house; Thờ means worship. Nhà Thờ is a house of worship or a house of prayer (Isa 56:7; Luke 19:46). Thus, private home and the village’s church always have a very close connection. Not only that all the important events of a family are celebrated at the village’s church, but also that the church is a common place for all private houses. Keeping these two houses (private and common) in such close connection is a good way to make the private home happy and lasting. Separating them would put the private home in danger and in isolation.

In the English language, the words F.A.M.I.L.Y. can stand for something beautiful and yet very basic and important. FAMILY means Father And Mother, I Love You! How beautiful and important it is when a child really means what he would say to the parents: “Father and Mother, I love you!” More importantly, however, if a child can say together with its parents: “Father and mother and I (we) love you (people). It is equally important if a child can say together with its parents: “Father and mother & I (we) love YOU (God). Putting family’s love under those perspectives (Love God above all else and love others as yourselves) [Matt 22: 37], we will have all possible aspects of human relationships: with family’s members, with God and with other people. Family’s love is not enclosed in itself but it comes from God and expands to others. There is a Chinese proverb expressing very well from where the world’s peace should start.

“If there is light inside a person, there is happiness in the family.
If there is happiness in the family, there is justice in the country.
If there is just justice in the country, there is peace in the world.”

Let us now make peace a home in our heart, in our family, and in our community so that when Christmas comes, we are able to sing along with the angels: “Glory to God in the highest heaven, and on earth peace among the people of good will” (Luke 2:14).

 

back to top