Bùi Hữu Thư

Bùi Hữu Thư

Website URL:

Chỉ có Chúa làm cho hoa nở

Chỉ có Chúa làm cho hoa nở
  

Đây chỉ là một nụ hoa bé nhỏ
Một nụ hồng do chính Chúa tạo nên
Nhưng tôi không thể làm sao khai mở
Từng cánh hoa bằng đôi tay mọn hèn

Tôi có cố gắng bóc nhẹ từng cánh
Cũng làm cho hoa rách nát tan tành
Một nụ hồng sinh tươi vừa nở mạnh
Trong bàn tay tôi đã héo thật nhanh

Bí quyết để mở được từng cánh hoa
Không được ai chỉ dậy cho chúng ta
Chỉ có Chúa mới làm cho hoa nở
Cho hương hoa hồng thơm ngát bay xa

Nếu tôi không biết cách mở nụ hồng
Một bông hoa tươi vừa mới trổ bông
Thì trí óc tôi còn quá thô thiển
Ý nghĩa cuộc đời này, tôi biết không?

Vậy tôi phải tin nơi Người dẫn dắt
Từng phút từng giây trong mỗi một ngày
Tôi sẽ luôn trông cậy nơi người hướng dẫn
Từng bước chân đi trong cuộc sống này.

Con đường đang mở ra trước mắt tôi
Có ai biết được, trừ Cha trên Trời
Người sẽ mở cho tôi từng giây phút
Như khi Người làm nở nụ hồng tươi

Bùi Hữu Thư 

Ngày Chống Tra Tấn và Yểm Trợ cho các Nạn Nhân

Ngày Chống Tra Tấn và Yểm Trợ cho các Nạn Nhân

Đức Thánh Cha: khuyến khích từ bỏ mọi hình thức tra tấn

Vatican, ngày 27 tháng 6, 2017:

Đức Thánh Cha gửi điện tín tweet ngày 26 tháng 6, 2917 nhân Ngày Quốc Tế Yểm Trợ cho các Nạn Nhân bị Tra Tấn: “Tôi nhắc lại lời cương quyết lên án tất cả mọi hình thức tra tấn và kêu gọi tất cả mọi người hành động để loại bỏ việc tra tấn và yểm trợ cho các nạn nhân và gia đình.

Ngày Quốc Tế này được Liên Hiệp Quốc thiết lập năm 1997, “nhằm hủy bỏ toàn diện mọi hình thức tra tấn và đảm bảo việc thi hành hữu hiệu Thỏa Ước chống tra tấn và các hình thức tàn bạo, dã man hay hạ phẩm giá con người. Thỏa ước này được thi hành từ ngày 26 tháng 6, năm 1987.”

Tòa Thánh chấp hành thỏa ước này năm 2002.

Theo tổ chức ACAT (Action by Christians Against Torture), một tổ chức NGO (phi chính phủ) Kitô giáo chống tra tấn, họ đã phổ biến hàng năm một thông cáo về một trong hai quốc gia luôn luôn áp dụng các hình thức tra tấn, kể cả các quốc gia dân chủ.

Tôi chỉ có một đời để sống,

Tôi Chỉ Có Một Đời Để Sống


Tôi chỉ có một đời để sống,
Một đời cậy một đời để trông.
Cửa Thiên Ðàng luôn luôn rộng mở,
Hay vùi sâu hỏa ngục mịt mùng.

Ngày tôi đi đến cuối cuộc đời, 

Tôi có gì dâng Chúa? Chúa ơi! 
Tôi không thể chạy theo ảo vọng, 
Xa hoa và phù phiếm gọi mời.

Phải dẹp tính kiêu kỳ dị hơm,
Ám ảnh tôi sáng tối chiều hôm.
Uốn lưỡi mình trước khi ăn nói,
Mất lòng người vì lỡ miệng mồm.

Không bao giờ say đắm, đam mê, 

Những vàng son quyến rũ mọi bề.
Hài lòng với những gì đang có,
Chúa an bài ban phát phủ phê.

Tôi chỉ có một đời để sống,
Chúa mỗi ngày tính sổ lao công.
Tôi chỉ có dịp may độc nhất,
Lỡ qua rồi tay trắng hoàn không.

Với tha nhân tôi nhiều bổn phận:
Coi mọi người như thể người thân,
Lắng nghe và luôn luôn thông cảm,
Tha thứ người như Chúa từ nhân.

 

Mỗi ngày qua tôi đều phải sống,
Giống y như giờ phút cuối cùng.
Dọn dẹp cho tâm hồn thanh tịnh,
Quét sạch bao tội lỗi chất chồng.

Tôi vẫn đi, đi giữa giòng đời,
Nhưng trong lòng khắc khoải không ngơi.
Niềm trông mong không bao giờ đổi,
Một ngày kia, Chúa cất về trời.

Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải nhỏ bé lại thì mới nghe được tiếng Chúa.”

Vatican, ngày 23/6/2017: Trong Thánh Lễ buổi sáng ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải nhỏ bé lại thì mới nghe được tiếng Chúa.”


Ngài nói: Thánh Tâm Chúa không phải là “một tấm thiệp cầu nguyện” mà là Trọng Tâm của Đức Tin chúng ta, bởi vì Người tự làm cho mình nhỏ bé lại, để bằng cách này Người “tự hạ mình, trút bỏ tất cả cho đến chết trên thập giá.”

Theo Vatican Radio, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này trong Thánh Lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Mác-ta, trong khi Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Ngài dựa vào bài đọc một trong Sách Đệ Nhị Luật, khi Môisen nói rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta “từ muôn dân nước trên trái đất để tạo thành một dân riêng của chính Người.”

Đức Thánh Cha giải thích, Thiên Chúa được ca ngợi, vì “trong Trái Tim Chúa Giêsu, Người ban cho ta ân sủng để hân hoan cử hành mầu nhiệm cứu độ, và tình yêu Người dành cho chúng ta,” nghĩa là khi chúng ta tuyên xưng đức tin.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh vào hai từ ngữ trong bài đọc: “lựa chọn”, và “nhỏ bé”.

Lựa chọn

Đức Thánh Cha nói, lựa chọn không phải là chúng ta chọn Chúa, mà là Chúa đã tự biến mình thành “tù nhân” của chúng ta.

“Người đã tự gắn liền với đời sống chúng ta; Người không thể tự tách rời ra, Người đã tự mang gông cùm! Và người trung thành với thái độ này. Chúng ta được lựa chọn vì tình yêu, và đây là căn tính của chúng ta.”

Chúng ta có thể nói: “‘Tôi đã chọn tôn giáo này, tôi đã chọn…’ Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không phải thế, các bạn đã không chọn. Chính Người đã chọn bạn, đã gọi bạn, và đã kết hiệp với bạn. Và đây chính là đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta không tin điều này, chúng ta không hiểu sứ điệp của Chúa Kitô, chúng ta không hiểu Phúc Âm.”

Nhỏ bé

Nói về sự ‘nhỏ bé’, Đức Thánh Cha nhắc: Môisen cũng đã nói rằng Thiên Chúa chọn dân Ítraen vì “họ là dân nước nhỏ bé nhất trong mọi quốc gia.”

“Chúa yêu thương sự nhỏ bé của chúng ta, và vì lý do này Người đã chọn chúng ta. Và Chúa chọn những gì nhỏ bé, chứ không chọn những gì lớn lao. Và Người đã mạc khải cho những người nhỏ bé.”

“Và Chúa không chỉ chọn những người nhỏ bé, Người còn mạc khải cho họ; Chúa gọi những người nhỏ bé: ‘Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả, gánh vác nặng nề, Ta sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng.’”

Đức Thánh Cha hỏi: Thế còn những người lớn mạnh, Chúa không gọi họ sao?”

“Trái tim Chúa mở rộng, nhưng những người này không nhận biết tiếng Chúa, vì họ không thể nghe được, vì lòng họ đầy những kiêu căng vị kỷ. Muốn nghe được tiếng Chúa, bạn phải làm cho mình nhỏ bé lại.”

Mầu Nhiệm Thánh Tâm Chúa

Đức Thánh Cha nói: “Mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa không chỉ là một tấm thiệp cầu nguyện đối với những người ngoan đạo.”

Mà là “Trọng tâm của sự khải huyền, trọng tâm của đức tin của chúng ta, vì Chúa đã tự làm cho mình bé nhỏ, và đã lựa chọn cách này, để tự hạ mình, trút bỏ hết cho đến chết trên thập giá.”

Đức Thánh Cha nói: “Đây là sự lựa chọn những gì nhỏ bé, để cho vinh quang Chúa có thể được thể hiện.”

Đức Thánh Cha nhắc rằng: Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta tôn vinh “một Trái Tim yêu thương, một Trái Tim lựa chọn, và trung thành. Một Trái Tim kết hiệp với chúng ta, mạc khải cho những người bé mọn, và tự làm cho mình nhỏ bé.”

Đức Thánh Cha đi thằm viếng mộ của hai linh mục tại Mantoue và Barbiana

Đức Thánh Cha đi thằm viếng mộ của hai linh mục tại Mantoue và Barbiana

Don Mazzolari, linh mục  của Lòng Thương Xót

Ngày 20/6/2017: Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố: “Don Mazzolari là một cha xứ có xác tín rằng ‘định mệnh của thế gian được chín mùi trong vòng tay của Lòng Thương Xót Chúa.’. Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng cha Mazzolari được mệnh danh là “Cha Xứ của Nước Ý.”  Ngài cũng suy niệm về một Giáo Hội lên đường: “Muốn bước đi trước hết phải rời khỏi nhà và rời khỏi nhà thờ, nếu Dân Chúa không còn đến nhà thờ nữa.”

Sáng hôm nay thứ ba 20 tháng Sáu, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng trực thăng đi hành hương viếng các ngôi mộ của cha don Primo Mazzolari tại Bozzolo, trong miền Mantoue, và một cha don Lorenzo Milani tại Barbiana, trong miền Florence.

Khi đáp xuống sân vận động Bozzolo, Đức Thánh Cha đã được Đức Cha giáo phận Crémone, là Đức Giám Mục Antonio Napolioni, và ông Thị Trưởng đón tiếp. Sau đó ngài đã dùng xe hơi đến Giáo Xứ Thánh Phêrô. Nơi đây ngài được cha xứ và cha phó chào đón. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước ngôi mộ của cha don Primo Mazzolari. Sau đó ngài đã đọc diễn từ tiếp theo lời chào mừng của Đức Giám Mục Antonio Napolioni.

Nhắc đến một bài viết của cha Mazzolari về việc cha đề nghị “một sự duyệt xét lương tâm về các phương pháp mục vụ” tại giáo xứ. Đức Thánh Cha đã đã nhắc đến chủ nghĩa bị Người Tôi Tớ Thiên Chúa Mazzlari lên án: “các chủ thuyết bỏ mặc cho dân tự quyết, hiếu động và tinh thần (laisser-faire, l’activisme et le spiritualisme) tại một giáo xứ.

Đức Thánh Cha cũng nói về “sự đáng tin của những lời rao giảng” phải đi qua “sự giản dị và nghèo túng” của Giáo Hội. Một lần nữa Đức Thánh Cha lập lại lời của cha don Mazzolari: “Nếu chúng ta muốn đem được những người nghèo trở về Nhà Chúa, thì những người nghèo này phải tìm thấy được tại nơi đó bầu không khí của Người Nghèo”, nghĩa là bầu khí của Chúa Giêsu Kitô.

Đằng sau thù hận và bạo tàn là một trái tim không được yêu thương.

Ngày 14/6/2017: VATICAN CITY (CNS) – Đức Thánh Cha nói trong buổi yết kiến chung: Bạo tàn và thù hận thường là dấu hiệu của một người không hạnh phúc và cảm thấy mình không được yêu thương và chăm sóc.

Ngài nói: “Trong thế giới ngày nay, con người, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên, thường cảm nhận rằng, trừ khi “họ khỏe mạnh, hấp dẫn và xinh đẹp, thì không ai đếm xỉa gì đến họ.”

"Khi một thiếu niên không được hay không cảm thấy được yêu  thương, thì bạo tàn có thể xẩy ra. Sau bao nhiêu hình thức hận thù xã hội và bạo lực, luôn luôn có một trái tim không ai biết tới.”

Mặc dầu trời nóng lên tới gần 90 độ F, có gần 12,000 khách hành hương đội các nón và che các cây dù đủ mầu đã hoan hô và vẫy chào khi Đức Thánh Cha tiến vào quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô dành một lát để chào những người bệnh tật đang theo dõi buổi yết kiến bên trong sảnh đường vì thời tiết Rôma quá nóng.

Đức Thánh Cha nói với đám đông trong quảng trường: “Họ đang ở bên trong sảnh đường Phaolô VI và chúng ta đang ở ngoài này. Nhưng chúng ta cùng gần gũi với nhau, chúng ta được liên kết bởi Chúa Thánh Thần, vì Ngài luôn luôn kết hiệp chúng ta."

Trong diễn từ, Đức Thánh Cha chú trọng đến niềm hy vọng chắc chắn về việc cảm nhận chúng ta được yêu mến như những người con cái của Thiên Chúa.

Ngài nói: “Khi con người không cảm thấy mình được yêu thương, thì họ có nguy cơ bị sa lấy vào “sự nô lệ gớm ghê” là tin rằng tình yêu chỉ dựa trên sắc diện bề ngoài hay khả năng xứng đáng. Hãy thử tưởng tượng xem trong một thế giới có tất cả mọi người đều nài xin cho có những lý do để thu hút sự chú ý của người khác, và không một ai muốn yêu một người khác cách nhưng không. Dường như đây là một thế giới của nhân lọai, nhưng thực ra đây là hỏa ngục.”

Ngài tiếp: “Cảm nghĩ mình cô đơn thường đưa đến ‘nhiều hành vi thù ghét người khác’. Cảm nghĩ này chỉ vượt thắng được khi có kinh nghiện rằng tình yêu đã cho đi và được tiếp nhận.”

“Thiên Chúa không bao giờ cần phải có lý do mới yêu thương con cái của Người, và có tình yêu vô điều kiện với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa còn không trói buộc sự quảng đại của Người với sự hoán cải của chúng ta; mọi sự đều là kết quả của tình yêu Thiên Chúa.”

Nhắc đến thời kỳ ngài là Tổng Giám Mục tại Buenos Aires, Argentina, Đức Thánh Cha nói ngài đã thấy tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trên gương mặt của các bà mẹ khi họ đến thăm con cái đang bị tù đầy trong các trại giam.

"Tôi nhớ đến biết bao nhiêu bà mẹ trong tổng giáo phận của tôi đã phải xếp hàng để vào khám đường. Có biết bao nhiêu bà mẹ đã không thấy xấu hổ. Con cái họ ở trong tù, nhưng vẫn là con của họ, và họ chịu đau khổ vì bị xỉ nhục.”

"Chỉ có tình yêu này của một người cha và một người mẹ mới có thể giúp ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa.” Ngài tiếp: “không có tội lỗi nào, hay chọn lựa sai lầm nào có thể xóa bỏ tình yêu đó.”

Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi đám đông: “Có thần dược nào có thể thay đổi một người không hạnh phúc?”

Đám đông trả lời: “Tình yêu.”

Đức Thánh Cha nói: "Tốt lắm, thật là tốt! Niềm hy vọng Kitô chỉ có được khi nhận biết rằng ‘Chúa Cha yêu thương chúng ta bất kể chúng ta ra sao. Người luôn luôn yêu chúng ta, tất cả mọi người chúng ta, dù chúng ta tốt hay xấu.”

Bao Nhiêu Là Ơn Phúc

Những lúc cô đơn ai người an ủi
Những lúc buồn phiền ai sẽ ôm vai
Những lúc băn khoăn ai người đưa lối
Ai sẽ tiếp tay đối phó ngày mai

Ai sẽ đỡ nâng những khi đau khổ
Ai sẽ tăng cường khi hãi sợ tương lai
Ai sẽ chở che khi lâm nguy ngập cổ
Ai dắt dìu trong bóng tối đọa đầy

Ai chúc bình an khi lòng rối loạn
Ban sức cho khi cám dỗ ngập tràn
Tha thứ khi niềm tin mất dạng
Dẫn đưa về nơi chốn yên hàn

Ai lưu ý khi vô tình tệ bạc
Lúc yếu lòng ai giải thoát cho đây
Ai cho nghỉ khi mệt nhoài thể xác
Tìm đâu bao ơn phúc vơi đầy

Tìm đâu bao yêu thương đùm bọc
Nếu không tìm nơi Chúa Cả cao sang
Tự Thiên Ðình Người luôn coi sóc,
Tình yêu Người đổ xuống chứa chan.

Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha khen ngợi ‘thiên tài’ và sự bình đẳng về phẩm giá của phụ nữ

Vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục để tiến tới tình huynh đệ trên hoàn vũ’ là chủ đề của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thọai Liên Tôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khen ngợi ‘thiên tài’ và bình đẳng về phẩm giá của phụ nữ và đã than phiền về những thời kỳ khi một số người cố gắng chối bỏ những chân lý này hay còn lạm dụng nữa.

Đức Thánh Cha nói như trên trong buổi họp của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thọai Liên Tôn, với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục để tiến tới tình huynh đệ trên hoàn vũ”.

Công trình của thánh bộ này do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran phụ trách, đã có sự tham gia của bốn phụ nữ.

Trong bài diễn từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Có biết bao nhiêu phụ nữ đã thi hành các trọng trách hàng ngày một cách tận hiến và quyết tâm, với lòng can đảm và đôi khi rất anh hùng, đã làm cho thiên tài của họ mang hoa kết quà, họ có những đức tính quý báu khác nhau, và những khả năng đặc biệt tốt đẹp.”

Suy niệm về chủ đề được hội đồng lựa chọn, Đức Thánh Cha Phanxicô chú trọng vào ba sắc thái: quý trọng vai trò của phụ nữ, giáo dục trong tình huynh đệ, và đối thọai.

Trong tuần qua, Đức Hồng Y Cardinal Tauran nói với Vatican Radio: “phụ nữ có phẩm giá bình đẳng với nam giới, và chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu cần biết rằng chúng ta đều là những thành phần của một thân thể, có đầu là Chúa Kitô, và điều này khiến cho mọi người được bình đẳng. Như Thánh Phaolô đã nói, trước mắt Thiên Chúa, không có ai là nô lệ hay tự do, tất cả đều là anh em trong Đức Kitô.”

Đức Hồng Y người Pháp nói tiếp: “không phải ngẫu nhiên mà lời tuyên bố đầu tiên về sự Phục Sinh lại được Chúa Giêsu trao gửi cho các phụ nữ, khiến cho họ là những nhà truyền giáo đầu tiên,” điều này đặc biệt khi suy nghĩ về “những khủng hoảng trong gia đình” hiện nay.

Ngài nói: “Theo bản chất, phụ nữ là người mẹ và có tính dịu hiền, có khả năng lắng nghe và chăm sóc, và đây là một thông điệp hoàn vũ.” Tuy nhiên, người nữ cũng phải có ‘địa vị trong xã hội.’”

Đức Hồng Y Tauran nhấn mạnh: “Cũng như người nam, người nữ phải có trách nhiệm; vì thế cần có những quan điểm này để có một hình ảnh đầy đủ về phụ nữ, là bình đẳng với nam giới trước mặt Thiên Chúa và xã hội.”

Lễ Ngũ Tuần

Lễ Ngũ Tuần


Ngũ Tuần ngày Lễ đến rồi,
Tông đồ tụ họp một nơi trong thành.
Từ trời tiếng động phát thanh,
Giống như gió cuốn thổi quanh khắp nhà.
Nhiều hình lưỡi lửa tản ra,
Trên đầu mỗi vị đậu ba bốn lần.
Mọi người đầy Chúa Thánh Thần,
Nói lên đủ tiếng mọi phần thế gian.
Tin đồn từ đó dần lan,
Tứ phương kéo đến, trăm ngàn người coi.
Ai ai bỡ ngỡ lạ đời,
Nghe tông đồ nói tiếng người xứ xa.
Các ông người Ga-li-lêa,
Sao thông thạo cả tiếng cha mẹ mình?
Lắng nghe hết thẩy thất kinh,
Phải chăng phép lạ Thánh Linh tỏ bầy?

Bùi Hữu Thư

Của cải không phải là đề dành cho ta mà là để ban tặng cho kẻ khác

Đức Thánh Cha gập gỡ những người túng thiếu nhất tại giáo xứ San Pier Damiani

22 tháng 5, 2017

L'Osservatore Romano

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tôi cám ơn các bạn. Cha xứ đã dùng từ ngữ “châu báu” để gọi những người thiếu thốn nhất trong một giáo xứ. Những người này trong một giáo xứ chính là những châu báu. Ở đây, tại Rôma, các bạn biết truyền thống của Thánh Phó Tế Laurent, vào thời khởi sự có những vụ bách dạo, giới chính quyền, để thương lượng, đã hứa là sẽ cứu mạng tất cả các Kitô hữu, nên đã yêu cầu ngài – vì ngài lúc đó là thủ quỹ - phải đem tất cả các kho tàng của giáo phận Rôma đến nộp cho họ. Vào ngày ngài phải thi hành điều này, ngài đã đem nộp tất cả người nghèo khó của thành phố. Họ chính là những kho tàng của Giáo Hội.

Thật là khó khăn khi người ta đau khổ thường xuyên, như cha xứ đã nói, khi người ta không có gì để ăn, hay không có việc làm, hay bị ly dị hay vì nguyên cớ gì khác… Nhưng Giáo Hội phải gìn giữ người nghèo vì họ chính là kho tàng của Giáo Hội. Đúng là một kho tàng, thật sự và sống động. Đúng thế, Đức Nữ Đồng Trinh Maria là kho báu của chúng ta, nhưng Mẹ đã lên trời, Mẹ trợ giúp chúng ta; Chúa Giêsu trong Mình Thánh, trong nhà tạm; và người nghèo khó là kho báu sống động của Giáo Hội. Và khi Giáo Hội, hay một giáo xứ, hay một cộng đồng bỏ quên người nghèo, tôi phải nói là họ không cử hành Thánh Lễ đúng đắn nếu không hiều biết được kho báu của người nghèo. Nghèo khó thật là một thập giá, nhưng Chúa Giêsu đã vác thập giá: Chúa đã sống nghèo hèn. Có rất nhiều người nghèo khó, nhưng họ có đức tin nơi Chúa Giêsu và họ đi theo Người. Và do đó, vì người nghèo là kho báu của Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng nói: “Hãy coi chừng, vì có một kho báu khác: những tài sản tiền bạc nhiều quá, sẽ làm hại linh hồn.” Đó là Phúc Âm. Chúng ta không cần phải tức giận đối với một người giầu có, nhưng phải cầu nguyện cho họ. Phải cầu sao cho họ không trở nên tham nhũng? Nhưng ma quỷ đến qua cái cái túi tiền, luôn luôn như vậy: chúng làm cho con người hư hỏng. Cha xứ đã nói rằng ngài phải làm bếp theo như ngài có thề vì thủ tục hành chánh của chính quyền đòi hỏi như vậy… Họ bảo mình: “Phải làm thế này, phải làm thế nọ… Nhưng thật là phức tạp, không có cách nào khác sao?” Nếu thủ tục hành chánh phức tạp có thể được giải quyết bằng một vò rượu vang, thì đó là đường lối tốt. Còn cha xứ đã làm theo ý ngài muốn và đã không có vấn đề gì cả. Nhưng tôi nói như vậy đế các bạn lưu ý: đúng thế, rất khó khăn khi không có những gì cần thíết. Nhưng hãy biết rằng, người nghèo là kho tàng của Giáo Hội và Giáo Hội, các linh mục, các giám mục, và Giáo Hòang phải chăm sóc người nghèo, và những ai bị xã hội ruồng bỏ.

Ngày nay có biết bao nhiêu người thất nghiệp! Biết bao nhiêu người không đem về được cơm bánh cho gia đình! Khi một người nam hay nữ có bổn phận nuôi sống gia đình mà không kiếm cơm bánh được vì thất nghiệp, người ấy cảm thấy bị mất đi nhân phẩm. Giáo hội cần tiếp cận người nghèo, Chúa Giêsu không sanh ra trong cung điện của Hêrôđê, Người sanh ra trong máng cỏ. Và điều này, chúng ta cần biết. Và chúng ta cần cầu nguyện cho người giầu có, cho những người có quá nhiều của cải, nhưng không biết dùng tiền bạc của họ đề làm gì, mà còn cứ muốn có nhiều hơn. Người nghèo! Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta trong Phúc Âm, ông phú hộ kia mở tiệc và ngoài cổng nhà ông có một người nghèo chầu chực với đàn chó, người ấy phải lượm những gì rơi xuống từ bàn của các thực khách. Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe câu chuyện này. Nhưng chúng ta không được thù ghét người giầu có, vì như vậy không phải là người Kitô. Chúng ta phải cầu nguyện cho họ, để họ biết sử dụng của cái của họ, vì tài sản không phải là của họ: đó là của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã ban tặng cho họ để họ điều hành. Và những người giầu không hiểu sứ điệp này, chỉ biết vơ vào túi: thật là ghê gớm. Nhưng cũng có những người có tiền của nhưng quảng đại, họ giúp đỡ, họ sống một đời sống thanh đạm, giản dị, một đời sống cần cù. Không nên ghét những người này! Hãy cầu nguyện cho những người giầu không hiểu rằng tài sản của họ không phải là đề cho họ giữ lấy khư khư, mà để cho đi. Nếu họ không biết cách cho đi thì ma quỷ sẽ điều hành dùm.

Tôi chúc lành cho các bạn. Tôi cầu xin Thiên Chúa luôn ở gần kề bên các bạn, gần gũi với những đau khổ to lớn của các bạn. Tôi cầu cho các bạn biết phải làm gì và biết cầu nguyện cho những người có thể giải quyết được tình trạng khó khăn của các bạn nhưng vì ích kỷ hay vô tâm lại không biết làm sao hay không muốn làm gì cả.

Bùi Hữu Thư

Subscribe to this RSS feed